Chuyến đi 'hàn gắn' của bà Gina Raimondo
Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong tuần trước đã có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, là chuyến thăm cấp cao mới nhất của chính quyền Biden, nhằm giảm bớt căng thẳng giữa 2 siêu cường.
Thẳng thắn và thực tế
Trên chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, bà Raimondo nói với các phóng viên về việc các công ty Mỹ phàn nàn Trung Quốc đã trở nên “không thể đầu tư”, bởi môi trường pháp lý khó lường, bao gồm các khoản tiền phạt, các cuộc bố ráp và các hành động khác đã khiến việc kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên rủi ro.
Trung Quốc đã tiếp thu nhận xét đó dường khá tích cực, một phần vì nền kinh tế của họ đang ở trong tình trạng tồi tệ, với thương mại song phương giảm 20% trong năm nay, nhưng cũng vì bà Raimondo được coi là có ý định tốt trong việc thúc đẩy 2 cường quốc thế giới hướng đến mối quan hệ thương mại lành mạnh hơn.
Khi được yêu cầu trả lời những bình luận của bà Raimondo, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Liu Pengyu nói hầu hết trong số 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc đều muốn ở lại, gần 90% có lãi, và Bắc Kinh đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường.
Ông nói: “Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy quá trình mở cửa ở cấp độ cao và nỗ lực cung cấp môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, đẳng cấp thế giới, được quản lý bởi khuôn khổ pháp lý lành mạnh. Trung Quốc sẽ mở cửa rộng hơn nữa với thế giới bên ngoài”.
Nhiều thách thức phía trước
Bản tóm tắt cuộc họp giữa bà Raimondo và Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng, cho biết phía Trung Quốc cũng nêu lên mối lo ngại về thuế quan của Mỹ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc, các hạn chế đầu tư và các biện pháp khác. Trung Quốc đã tăng gấp đôi nỗ lực thúc đẩy đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay, và triển khai các sáng kiến để thúc đẩy dòng vốn vào.
Tuy nhiên, bà Raimondo đã “nói không” với yêu cầu của Trung Quốc về việc giảm bớt kiểm soát xuất khẩu và “rút lại” lệnh điều hành về sàng lọc đầu tư ra nước ngoài. Bà nói: “Chúng tôi không đàm phán về các vấn đề an ninh quốc gia”.
Đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chịu trách nhiệm chính trong việc xác định các chi tiết.
Trước đó, vào mùa thu năm 2022, Cục Công nghiệp và An ninh Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, nhằm hạn chế khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc mua một số chất bán dẫn tiên tiến từ các nhà cung cấp Mỹ.
Đáp lại, mùa hè này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của riêng mình để hạn chế xuất khẩu 2 kim loại của Trung Quốc là gali và germani, được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn.
Chuyến đi của bà Raimondo đã kết thúc một mùa hè nỗ lực của 4 quan chức cấp cao chính quyền Biden. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, R. Nicholas Burns, người nhậm chức vào tháng 1-2022, cho biết trong suốt 15 tháng sau khi ông nhận chức vụ này, các quan chức Mỹ “hoàn toàn không nói chuyện với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc”. Vì vậy, ông cho rằng 2 nước đang ở trong mối quan hệ “rất, rất thách thức”, vì vậy “ngoại giao sâu sắc là rất quan trọng”.
Tuy nhiên, không phải người Mỹ nào cũng xem việc tái tương tác với Bắc Kinh là điều tốt. Đặc biệt, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ngày càng coi cuộc xung đột Mỹ - Trung Quốc là xung đột cơ bản về lợi ích quốc gia. Các nhà phê bình coi việc tiếp cận này là tín hiệu cho Bắc Kinh rằng Mỹ sẵn sàng nhượng bộ.
Không gian cho sự thỏa hiệp dường như cũng bị thu hẹp. Cả 2 chính phủ đều không mấy mong muốn bị người dân trong nước coi là đang nhượng bộ. Và ở cả 2 nước, tỷ trọng thương mại được coi vượt quá giới hạn, hoặc là vấn đề gây lo ngại về an ninh quốc gia đang gia tăng.
Dù vậy, sự yếu kém gần đây của nền kinh tế Trung Quốc có thể tạo ra cơ hội cho sự thỏa hiệp. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ mới khập khiễng trở lại sau đợt phong tỏa do đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc tăng cao, nợ nần chồng chất và đầu tư nước ngoài vào nước này giảm khi các công ty đa quốc gia tìm kiếm nơi khác để đặt nhà máy.
Trong cuộc gặp với bà Raimondo hôm 30-8, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Chen Jining, thừa nhận nền kinh tế trì trệ khiến mối quan hệ kinh doanh trở nên quan trọng hơn.
Trong hơn 30 năm qua, các chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ tới Trung Quốc đều diễn ra theo kịch bản quen thuộc: Quan chức Mỹ đến thăm kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều khoản đầu tư của Mỹ hơn, cho phép cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các công ty nước ngoài và địa phương.
Sau đó Bộ trưởng Thương mại tham dự lễ ký kết hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong số đó có Barbara H. Franklin vào năm 1992, thời cuối chính quyền George H.W. Bush, giám sát việc ký kết các hợp đồng trị giá 1 tỷ USD và thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Gary Locke của chính quyền Obama giám sát việc ký kết một hợp đồng rộng rãi vào năm 2009 cung cấp dịch vụ xây dựng của Mỹ. Và Wilbur Ross, thay mặt Tổng thống Donald J. Trump vào năm 2017, đã trở lại với các thỏa thuận trị giá 250 tỷ USD, từ linh kiện điện thoại thông minh, máy bay trực thăng cho đến máy bay phản lực Boeing.
Những thỏa thuận Mỹ-Trung đạt được sau chuyến thăm
của bà Raimondo:
1. Thành lập nhóm công tác về các vấn đề thương mại giữa Bộ Thương mại 2 nước - họp 2 lần 1 năm ở cấp thứ trưởng và 1 lần ở cấp bộ trưởng. Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào đầu năm 2024.
2. Khởi động trao đổi thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu, với cuộc họp trực tiếp đầu tiên được tổ chức ở cấp trợ lý thư ký tại Bộ Thương mại ở Bắc Kinh ngày 29-8.
3. Tổ chức Đại hội Lãnh đạo du lịch Trung Quốc-Mỹ lần thứ 14 ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024.
4. Triệu tập các chuyên gia 2 bên để thảo luận kỹ thuật về bảo vệ bí mật thương mại trong quá trình cấp phép hành chính.
5. Thảo luận không chính thức thường xuyên khi cần thiết giữa 2 Bộ trưởng Thương mại.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chuyen-di-han-gan-cua-ba-gina-raimondo-post107796.html