Chuyện đi thi và coi thi miền biên viễn

Thời tiết Cao Bằng, Bắc Kạn hai ngày thi vừa qua nắng nóng và oi bức. Đây là một thách thức đối với những người làm thi, nhất là cán bộ coi thi từ các trường ĐH. Nhưng có lẽ, ở vùng núi, nắng nóng không đáng ngại bằng mưa lũ. Phải đến tận nơi mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của học sinh lẫn thầy cô vùng biên viễn…

Thí sinh tại điểm thi THPT Nà Giàng, Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: Nghiêm Huê

Thí sinh tại điểm thi THPT Nà Giàng, Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: Nghiêm Huê

Chuyện của Sao và Ban

Ngày thi thứ hai, trời biên giới Nà Giàng, Hà Quảng, Cao Bằng dường như nóng, oi hơn trong những ngày tháng 6. Sùng Thị Sao và Lý Thị Ban là hai trong số vài thí sinh có mặt tại điểm thi trường THPT Nà Giàng sớm nhất. Ban và Sao cũng là học sinh của trường này và là người dân tộc Hmông. So với học sinh vùng phát triển, Ban và Sao chỉ cao tương đương học sinh lớp 6. Hai em cùng ở xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Sở dĩ hai em chọn trường THPT Nà Giàng, huyện Hà Quảng để học vì quãng đường di chuyển ngắn hơn là đến trường THPT của huyện nhà. Sùng Thị Sao cho biết hàng ngày để đến trường, em phải đi bộ quãng đường khoảng 20km toàn đá tai mèo sắc nhọn vì không có phương tiện nào có thể đi được. Sao cho biết, bố mẹ em sinh được 7 anh chị em, bố mất khi em mới được 8 tháng. Chính vì gia cảnh khó khăn như vậy nên chỉ có mình em được ăn học. Mẹ Sao cũng không biết tiếng phổ thông. Ba năm học THPT là 3 năm em đi bộ hàng ngày đến trường. Những ngày thi, Sao và Ban được cô hiệu trưởng cho ở nhờ để tiện đi lại.

Còn Lý Thị Ban cho biết hoàn cảnh của em không đặc biệt như Sao. Nhưng nhà ở gần nhau nên hai em thường rủ nhau đi bộ đến trường. Tờ mờ sáng cứ 4h30 là các em rời nhà. Đôi bạn “cùng tiến” này quyết tâm thi đỗ vào ĐH Luật Hà Nội. Với Sùng Thị Sao, đó còn là thực hiện ước mơ của mẹ, sẽ đỗ ĐH để thoát nghèo. Chia sẻ thêm về Sao, cô Nông Thị Băng, hiệu trưởng nhà trường cho biết hoàn cảnh của Sao đặc biệt nên các thầy cô trong trường cũng quan tâm hơn. Cô cùng các giáo viên từng mất cả buổi đi bộ vượt đường đá tai mèo để đến nhà Sao, vùng này lại còn không có sóng điện thoại. Trường THPT Nà Giàng của cô cũng có trên 50% học sinh thuộc hộ nghèo. Chính vì thế, phần lớn các em không tính chuyện thi vào ĐH.

Cán bộ từ các trường ĐH về điểm thi THPT Nà Giàng cũng là một cố gắng lớn. Theo PGS. Lê Minh Quỳnh, Phó điểm trưởng, đến từ trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên, trường có 12 người làm thi tại đây. Quanh khu vực thị trấn Hà Quảng không có nhà nghỉ nên tất cả các thầy cô ăn, ở tại khu nhà công vụ dành cho giáo viên của trường. “Đang ở vùng thuận lợi về ăn ở mấy ngày tại đây cũng thấy có chút bất tiện. Nhưng các thầy cô địa phương rất tạo điều kiện cho chúng tôi” - PGS Lê Minh Quỳnh nói.

Không chỉ có Nà Giàng, khi đoàn kiểm tra của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An đến điểm thi trường THPT Hòa An chiều qua (26/6) thì được biết điểm thi này đang mất điện. Máy phát điện đang phải chạy hết công suất để đảm bảo cung cấp điện cho phòng lưu trữ đề thi, bài thi, nơi có lắp camera giám sát.

Một đêm… 6 lần mất điện

Tận thấy điểm thi của các địa phương miền núi mới thấy hết những khó khăn vất vả của những người làm thi nói riêng và của thầy cô nói chung. Tại Bắc Kạn, ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, toàn tỉnh có 2.889 thí sinh với 13 điểm thi. Trong số này có nhiều điểm thi còn khó khăn, do không ở trung tâm của huyện, mà là ở các cụm xã như ở huyện Chợ Mới, Chợ Đồn, Ba Bể. Những điểm thi này chỉ có khoảng trên dưới 100 thí sinh, tương đương 4 phòng thi. Nhưng địa hình chia cắt, nhiều sông suối nên rất khó đi lại. Các điểm thi này khi mưa bão sấm sét hay mất điện, nên đều phải trang bị máy nổ để đảm bảo điện phục vụ camera giám sát 24/24. Tuy nhiên, ông Quyên cho biết, đêm 23/6 vừa qua, điểm thi Quảng Khê tại huyện Ba Bể bị mất điện 6 lần. Vì khu vực này chỉ có 1 đường điện duy nhất, khi có mưa bão sấm sét sẽ tự ngắt. Toàn bộ cán bộ làm thi phải túc trực để trông máy nổ đảm bảo điện cho camera hoạt động vì lúc này đề thi đã được chuyển về điểm thi, cả đêm không ai dám ngủ.

Những điểm thi khó khăn ở ba huyện nói trên còn không có nhà nghỉ, giám thị đến làm thi được bố trí ở tại nhà công vụ hoặc kí túc xá của học sinh. Thế nhưng, những chỗ ở này cũng chỉ đủ để dành cho cán bộ đến từ trường ĐH. Các giáo viên của tỉnh đến làm thi đều được phải tìm nhà người thân quen ở nhờ hoặc ở trọ nhà dân. Thông thường các thầy cô giáo trong tỉnh được điều chuyển chéo không trùng với năm trước, do đó có thầy cô phải đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh với khoảng cách gần 200 cây số.

Thí sinh Sùng Thị Sao tranh thủ ôn bài trước giờ thi môn Ngoại ngữ tại điểm thi trường THPT Nà Giàng, Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: Nghiêm Huê

Thí sinh Sùng Thị Sao tranh thủ ôn bài trước giờ thi môn Ngoại ngữ tại điểm thi trường THPT Nà Giàng, Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: Nghiêm Huê

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/chuyen-di-thi-va-coi-thi-mien-bien-vien-1433334.tpo