Chuyện đi-về của sinh viên thời bao cấp

Chúng tôi vào đại học năm 1981. Ngày ấy, cửa trường đại học rất 'hẹp' và học sinh cũng không có nhiều lựa chọn, vì số lượng các trường đại học không nhiều.

Học sinh tỉnh Gia Lai-Kon Tum, sau khi tốt nghiệp cấp III, nếu chọn thi đại học thì có 3 hướng chính để đi: các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn và Đại học Tây Nguyên (ở Buôn Ma Thuột và Đà Lạt). Tôi thì quyết vào TP. Hồ Chí Minh xem “đô thị phồn hoa” nhưng đổi lại là những chuyến đi về khó nhọc.

Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước là thời điểm miền Nam đã cơ bản thực hiện xong “cải tạo công thương nghiệp” sau giải phóng. Ở tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ, Ty Giao thông-Vận tải đã mua lại phần lớn tài sản của “thành phần tư nhân kinh doanh vận tải”, để thành lập Công ty Hợp doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Riêng số hộ có xe vận tải nhỏ (xe “đốt” và xe lam) được xây dựng thành 2 hợp tác xã, hoạt động dưới sự quản lý của Ty Giao thông-Vận tải.

Nếu ngày nay, ngoài máy bay, người dân Gia Lai có rất nhiều lựa chọn sau khi cân nhắc chất lượng của hàng chục nhà xe, để di chuyển từ các địa điểm trong tỉnh (có nhiều điểm xe đón đến tận xã) để vào TP. Hồ Chí Minh, thì ở thời của chúng tôi, chỉ có phương án duy nhất là đi xe khách của Công ty Hợp doanh vận tải hàng hóa và hành khách tỉnh.

Mỗi ngày, Bến xe liên tỉnh Gia Lai-Kon Tum (nay là khách sạn Hoàng Anh Gia Lai) chỉ có từ 1 đến 2 chuyến (là những chiếc xe cà tàng, 45 chỗ ngồi, chạy dầu) đi tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh nên việc mua vé xe không hề dễ. Sinh viên lúc đó được ưu tiên, giảm 50% vé xe khi trình ra cái thẻ hoặc giấy tờ chứng minh là sinh viên. Nhưng theo quy định, mỗi xe cũng chỉ bán một số lượng rất ít vé giảm 50% nên để “giành” được những chiếc vé như vậy lại càng khó khăn hơn, nhất là vào dịp hè và Tết Nguyên đán.

Từ Pleiku đi TP. Hồ Chí Minh, xe xuất bến khoảng 9 giờ sáng. Xuống đến ngã ba Phú Tài (đoạn giao quốc lộ 19 và quốc lộ 1, thuộc địa phận tỉnh Nghĩa Bình cũ), xe sẽ dừng lại nghỉ đêm. Nhiều xe (xe khách, xe tải) xếp thành hàng phía quốc lộ 19, còn hành khách thì qua đêm tại xe và tự giải quyết mọi vấn đề của mình, trong khi hai bên đường chỉ có vài quán cháo đêm.

Sau 1 đêm ngồi gật gù trên xe, chân co chân duỗi, tìm cách làm sao để có thể gác được chân lên những bao hàng hóa đủ loại, sáng hôm sau xe tiếp tục lăn bánh. Suốt 1 ngày trời xe ì ạch leo đèo Cù Mông, qua tỉnh Nghĩa Bình (Bình Định và Quảng Ngãi), vào Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa) trên những con đường băng qua những trảng cát trắng nối tiếp nhau trong cái nóng nực mùa hè (nếu về hè) hoặc lạnh như cắt vào da (nếu là về dịp Tết). Chập tối, bác tài thông báo: Đến Ngã Ba Thành (ngã ba vào TP. Nha Trang) và… lại nghỉ đêm.

Cứ như vậy, đến ngày thứ 3 mới tiếp tục chặng cuối Nha Trang-TP. Hồ Chí Minh. Đấy là những chuyến đi suôn sẻ. Còn khi xe hư dọc đường thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi đã từng có chuyến đi 5 ngày từ Pleiku đến TP. Hồ Chí Minh. Khi đến ký túc xá, việc đầu tiên của tôi là vứt đồ đạc vào phòng rồi chui ngay sang nhà tắm để lau cái mặt đen nhẻm vì bụi, khói xe.

Chuyến về là hành trình tương tự ngược lại. Nhưng điều đáng nói trên đường về là, nếu xe chạy qua đèo Cả vào những đêm mùa hè thì chúng tôi sẽ được hướng mắt nhìn về phía biển, ngắm những ngọn đèn từ thuyền câu, lập lòe sáng cả một dải bờ biển, vô cùng thú vị. Nhưng đương nhiên là không chỉ có thú vị, mà còn có cả khó khăn.

Thường thì mỗi khi xe leo đèo An Khê, Mang Yang, tới những đoạn dốc cao, hành khách thường bị “đuổi xuống” đi bộ, để xe ì ạch phả khói đen ngòm, mang cái xác nó lên trên dốc. Lúc đó, các “thượng đế” mới lục tục trèo lên xe sau khi đã dùng cả mũi, miệng và tai để thở.

Với các bạn tôi như Thu Loan, Thùy Dương… đến Pleiku là ai nấy đều thở phào. Nhưng với người “dân huyện” như tôi, từ Pleiku về nhà còn là một chặng đường không kém phần khủng khiếp. Thường thì xe đến Pleiku trời đã chiều hoặc tối. Nếu về cùng, tôi sẽ ngủ lại nhà các bạn.

Nhưng cũng có khi chúng tôi không mua được vé xe để đi cùng chuyến, thì dù trời tối, tôi cũng phải tiếp tục đi bộ gần 40 km, suốt đêm về hướng biên giới (nay thuộc huyện Ia Grai), trên con đường ngập bụi hoặc bùn (tùy theo mùa). Cũng xin nói thêm là lúc ấy, Pleiku chỉ có khách sạn Hùng Vương mà sinh viên chúng tôi không bao giờ dám mơ đến chuyện bước chân vào!

Người Pleiku hôm nay có thể sáng đi TP. Hồ Chí Minh và chiều trở về trên những chuyến bay; hoặc tối lên xe giường nằm, máy lạnh… ngủ một giấc, sáng đã từ Sài thành về đến nhà. Có lẽ nhiều bạn trẻ không thể nghĩ rằng, có một thời, mỗi chuyến xe khách xuôi hoặc ngược Pleiku-TP. Hồ Chí Minh phải mất từ 3 đến 5 ngày với bao vất vả, âu lo.

NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-di-ve-cua-sinh-vien-thoi-bao-cap-post261135.html