Chuyển dịch đất nông nghiệp để sản xuất lớn sao cho hiệu quả?

Để đất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả, việc chuyển dịch sang những chủ thể có đủ năng lực canh tác, sản xuất là một yếu tố rất quan trọng. Cơ chế chuyển dịch đất nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn cần hoàn thiện hơn nữa để thực sự đáp ứng mục tiêu này.

Tìm phương thức chuyển dịch tối ưu

Tương tự như thực hiện các dự án đầu tư khác, để thực hiện dự án nông nghiệp, hiện có hai phương thức chuyển dịch đất đai chủ yếu: chuyển dịch đất đai bắt buộc (Nhà nước thu hồi đất để giao, cho thuê thực hiện dự án) và chuyển dịch đất đai tự nguyện (nhà đầu tư tự thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện dự án). Thực tiễn áp dụng Luật Đất đai năm 2013 cho thấy cả hai phương thức đều phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nhìn chung vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch đất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Đối với cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc, theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nông nghiệp được áp dụng trong hai trường hợp. Thứ nhất là dự án khu nông nghiệp công nghệ cao thuộc nhóm dự án khu công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư. Trường hợp thứ hai là dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung do HĐND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư.

Chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái ở nhiều địa phương ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái ở nhiều địa phương ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Hiện nay Nhà nước chỉ có thể thu hồi đất cho các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù vậy, việc phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, rất khó thu hút nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do phát triển các dự án này đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm.

Trong khi đó, đối với nhóm dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung lại chưa được quy định cụ thể về tiêu chí xác định, nên các địa phương không có cơ sở xem xét để đưa vào danh mục thu hồi đất.

Hiện nay, bên cạnh việc giữ nguyên quy định thu hồi đất cho khu nông nghiệp công nghệ cao, dự thảo luật đã bổ sung quy định định nghĩa khá cụ thể về việc thu hồi đất đối với dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho công tác thực thi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn cần có hướng dẫn tiêu chí cụ thể xác định thế nào là dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung để làm cơ sở để các địa phương xem xét đưa dự án vào danh mục thu hồi đất.

Đối với cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện, quy định tại Điều 128 trong dự thảo luật vẫn chưa cho thấy vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nông nghiệp. Bởi lẽ, trên thực tế việc nhà đầu tư có thể thỏa thuận được 100% người dân có đất trong khu vực thực hiện dự án đồng thuận là rất khó khăn.

Trong khi đó, việc thỏa thuận để thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án lại rất thiếu bền vững do nhà đầu tư khó có thể thỏa thuận để thuê trong một thời gian dài. Hơn nữa, do không phải là đất của mình nên nhà đầu tư rất thiếu động lực để đầu tư dài hạn cho đất. Còn đối với phương thức góp vốn thì dự thảo chưa quy định cụ thể về cơ chế pháp lý triển khai, chưa phổ biến đối với đại bộ phận người nông dân.

Do đó, riêng đối với các dự án nông nghiệp, bản chất không phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp và địa tô chênh lệch phát sinh cũng sẽ rất ít (thậm chí không phát sinh địa tô chênh lệch). Cho nên, việc can thiệp của Nhà nước trong hỗ trợ nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ khả thi hơn và không gặp phải nhiều sự phản đối của người dân.

Như vậy, dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung cơ chế theo hướng, đối với các dự án nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất tại Điều 79 thì Nhà nước sẽ thu hồi cho nhà đầu tư thực hiện dự án nếu đáp ứng được ba điều kiện sau:

Thỏa thuận được trên 80% diện tích đất khu vực thực hiện dự án; trên 80% số người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thực hiện dự án đồng ý chuyển nhượng; nhà đầu tư có phương án cụ thể về giải quyết việc làm, sử dụng lao động đối với những người bị thu hồi đất.

Bởi đặc thù lợi nhuận không cao bằng các ngành phi nông nghiệp, dễ chịu rủi ro từ điều kiện tự nhiên, thời tiết, do đó việc Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho nhà đầu tư trong vấn đề này là hết sức cần thiết. Sự đồng thuận giữa các bên liên quan cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, hướng đến sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật trong canh tác, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất…

Chuyển nhượng đất lúa cần quy định chặt chẽ hơn

Nhằm tháo gỡ những hạn chế trong tiếp cận đất trồng lúa, mở rộng khả năng tích tụ đất đai và chuyển dịch đất nông nghiệp sang những chủ thể có nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, Điều 45 dự thảo luật đã bổ sung quy định, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không còn bị hạn chế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, quy định tại Điều 45 vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Đầu tiên, đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất. Tuy nhiên, một số hình thức sản xuất trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay như kinh tế trang trại hay tổ hợp tác mặc dù không phải là tổ chức kinh tế nhưng vẫn rất cần tích tụ ruộng đất. Do đó, việc yêu cầu hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế là chưa toàn diện và bao quát tất cả các trường hợp.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, hiện nay dự thảo luật chỉ yêu cầu tổ chức kinh tế phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận mà chưa ràng buộc các tiêu chí, điều kiện khác kèm theo như cam kết tiến độ dự án, năng lực nhà đầu tư… nhằm đảm bảo nhà đầu tư thật sự có nhu cầu và năng lực triển khai dự án.

Do đó, trong dự thảo Luật Đất đai, đối với trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cần bổ sung các quy định về các tiêu chí, điều kiện cụ thể đối với nhà đầu tư. Điều này nhằm đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư thật sự có năng lực và có nhu cầu thực hiện dự án, phòng ngừa tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp.

(*) Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ

Đinh Tấn Phong (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-dich-dat-nong-nghiep-de-san-xuat-lon-sao-cho-hieu-qua/