Chuyển dịch năng lượng: Cần truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng

Chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu đang được triển khai trên phạm vi toàn thế giới. Tại Việt Nam vấn đề này vẫn còn mới mẻ, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Chuyển dịch năng lượng từ các dạng truyền thống như năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng sạch là xu thế tất yếu khi nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.

Chuyển dịch năng lượng đã trở thành vấn đề quốc gia, là mối quan tâm của cả khu vực cũng như toàn thế giới. Rất nhiều sự kiện, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế đã đề cập đến chuyển dịch năng lượng cùng những lợi ích, tác động, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Tuy nhiên, để thực thi thì vẫn cần lấy con người gắn với lợi ích bền vững làm trọng tâm. Và như vậy cần sự đồng thuận hợp tác chặt chẽ từ Chính phủ tới doanh nghiệp và người dân để phát huy hiệu quả cao nhất từ chuyển dịch năng lượng.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Ngọc Linh

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Ngọc Linh

Trong đó, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các khía cạnh của năng lượng và thay đổi hành vi là vấn đề quan trọng. Phát biểu tại hội thảo tham vấn “Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng”, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ có 10 định hướng với các ngành, lĩnh vực cùng 8 nhóm giải pháp. Trong đó, giải pháp về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức là một trong những giải pháp được quan tâm hàng đầu.

Do đó, Chương trình Truyền thông do ETP/UNOPS phối hợp với Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ được thực hiện với mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực, giúp công chúng tiếp cận nhanh chóng các vấn đề phức tạp nhưng mang tính bức thiết của chuyển dịch năng lượng.

Bà Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS chia sẻ: "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng hướng đến mục tiêu đặt người dân làm trung tâm, đảm bảo rằng mọi chủ thể trong xã hội tham gia tích cực, chủ động vào quá trình chuyển dịch năng lượng, một nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới, và cũng là yếu tố tiên quyết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Chương trình hướng đến mục tiêu thông tin cho công chúng về các khía cạnh khác nhau của chuyển dịch năng lượng, giúp người dân hiểu sâu sắc vai trò của họ trong quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như các hành động đóng góp mang tính thiết thực nhất. Đồng thời khuyến khích người dân chủ động tham gia các hoạt động liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trong Chương trình này, tiếng nói của cộng đồng, bao gồm các nhóm bị ảnh hưởng đa chiều bởi quá trình chuyển dịch năng lượng và nhóm ít xuất hiện trong các câu chuyện liên quan đến chuyển dịch năng lượng sẽ được lắng nghe và đề cao, từ đó đem đến những thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Chuyển dịch năng lượng cần giải pháp đồng bộ và chung tay của toàn xã hội

Bà Nguyễn Ngọc Thủy - Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Ngọc Thủy - Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS phát biểu tại hội thảo.

Bà Thủy cho rằng, chuyển dịch năng lượng là vấn đề đa diện, đa ngành, đa lĩnh vực, đa giá trị, bao hàm những nội dung phức tạp như tài chính và đầu tư, phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo, việc làm xanh, hay nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng sạch với giá cả phải chăng cho các đối tượng ở vùng sâu vùng xa.

Sự chuyển đổi hướng tới năng lượng sạch và tăng trưởng xanh sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới về việc làm, phát triển công nghệ tiên tiến, tăng trưởng kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra nhiều bài toàn khó cho các nền kinh tế, bao gồm: làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và sự thay đổi lớn về cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực liên quan đến năng lượng hóa thạch.

Chuyển dịch năng lượng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân đơn lẻ. Mỗi hành động, dù nhỏ ví như tiết kiệm điện, tái chế, sử dụng phương tiện đi lại và sinh hoạt thân thiện với môi trường…, cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.

Cần truyền thông toàn diện và đa dạng phương thức

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại sự kiện.Ảnh: Ngọc Linh

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại sự kiện.Ảnh: Ngọc Linh

Chuyển dịch năng lượng là một quá trình phức tạp và kéo dài, thường đòi hỏi sự đổi mới về công nghệ và thay đổi trong thói quen sử dụng năng lượng của mọi người. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, truyền thông hiệu quả giúp cộng đồng hiểu được lý do tại sao việc chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là cần thiết, từ đó tạo ra sự ủng hộ và hợp tác từ công chúng.

Khi mọi người hiểu rõ về tầm quan trọng của việc chuyển dịch năng lượng, họ có thể được khuyến khích thực hiện các bước nhỏ như tiết kiệm điện, sử dụng các sản phẩm ít tốn năng lượng, hoặc đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi tích cực ở cấp độ cá nhân và cộng đồng.

Vì vậy, theo ông Dũng, để xây dựng một chiến lược truyền thông có hiệu quả, cần lưu ý một số yếu tố quan trọng như đối tượng được truyền thông, phương thức, thông điệp, sự phối hợp thực hiện...

Tùy thuộc vào khu vực địa lý, văn hóa và đặc điểm kinh tế xã hội, mỗi cộng đồng có những quan tâm và nhu cầu khác nhau. Theo đó, thiết kế chiến lược truyền thông cần xác định đối tượng mục tiêu giúp tùy chỉnh thông điệp sao cho phù hợp và dễ tiếp nhận nhất.

Thông điệp truyền thông cần phải rõ ràng, dễ hiểu và trực tiếp liên quan đến lợi ích mà chuyển dịch năng lượng mang lại cho cá nhân và cộng đồng. Trong đó cần nhấn mạnh vào cả lợi ích kinh tế lẫn môi trường.

Tận dụng cả truyền thông truyền thống (như truyền hình, phát thanh, báo chí) và truyền thông số (mạng xã hội, blog, video) để mở rộng tầm ảnh hưởng và tiếp cận nhiều nhóm người khác nhau.

Ngoài ra, có thể hợp tác với các nhà lãnh đạo cộng đồng và người có ảnh hưởng lớn trong xã hội giúp tăng tính chấp nhận và lan tỏa thông điệp một cách tự nhiên và hiệu quả trong cộng đồng. Hay là tổ chức các sự kiện tương tác như hội thảo, triển lãm và hội chợ có thể giúp cộng đồng tìm hiểu trực tiếp về công nghệ và lợi ích của năng lượng tái tạo...

Quan trọng hơn cả là việc giám sát và đánh giá hiệu quả truyền thông nhằm điều chỉnh chiến lược theo thời gian và phản hồi từ cộng đồng.

TS. Lê Đăng Doanh
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW

Chia sẻ thêm với Mekong ASEAN, theo TS. Lê Đăng Doanh, truyền thông về chuyển dịch năng lượng cần đặc biệt chú ý, đối với người nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, những người gặp khó khăn không có điều kiện tiếp xúc với mạng xã hội thì thông qua đài phát thanh, truyền hình, các sự kiện tổ chức tại cộng đồng và tiếp xúc trực tiếp là phù hợp nhất.

Chuyển đổi năng lượng rất quan trọng đối với họ, bởi việc này sẽ tạo điều kiện cho họ được sử dụng nhiều năng lượng hơn, sử dụng năng lượng không phải trả tiền.

Đó là những cơ hội quý. Kinh nghiệm ở các nước khác cũng đều hỗ trợ người nghèo, các hộ khó khăn có điều kiện để phát triển vượt bậc. Vấn đề bây giờ là phải đầu tư và giúp đỡ họ chứ bản thân họ không thể tự làm được”.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nên thực hiện thí điểm ở từng vùng, từng khu vực. Ví dụ, với người nông dân thì hướng dẫn họ làm các bể biogas, tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp để xử lý điện sinh khối. Đối với miền núi thì tùy từng trường hợp có thể vận dụng các công trình thủy điện siêu nhỏ ở các sông, suối…

Ở miền Bắc ít nắng do thời tiết có mùa đông, gió mùa đông bắc có thể cân nhắc điện gió quy mô nhỏ. Trong khi ở miền Trung giờ nắng rất cao thì điện mặt trời mái nhà rất thích hợp. Vì vậy, cần tìm mô hình thích hợp với điều kiện từng vùng miền, tránh áp dụng dập khuôn các mô hình không thích hợp dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội.

Do đó, truyền thông về chuyển dịch năng lượng cần kết hợp với địa phương, thu hút được sự quan tâm của quần chúng bằng những ví dụ gần gũi trong cuộc sống, dễ hiểu, đem lại lợi ích thiết thực sẽ được đồng bào hưởng ứng và ủng hộ rất tốt.

"Tuy nhiên, nếu chỉ nói lý thuyết suông thì người dân sẽ không quan tâm. Tuyên truyền cần có mô hình giới thiệu trực quan, giải thích những ưu điểm, lợi ích của các mô hình chuyển đổi năng lượng mang lại và hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với từng vùng, từng nhóm đối tượng sẽ thu được kết quả tích cực", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chuyen-dich-nang-luong-can-truyen-thong-nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-post33993.html