Chuyển dịch năng lượng toàn cầu mang đến cơ hội và rủi ro cho các nước đang phát triển

Khi tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng gia tăng, nhu cầu về những khoáng sản thiết yếu đối với công nghệ năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện (EV) cũng tăng lên.

 Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia nhằm đạt các mục tiêu khí hậu. Ảnh minh họa: Freepik

Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia nhằm đạt các mục tiêu khí hậu. Ảnh minh họa: Freepik

Các dự báo của tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra rằng đến năm 2050, nhu cầu về lithium có thể tăng hơn 1.500%, và nhu cầu với niken, coban và đồng cũng có mức tăng tương tự.

Nhu cầu bùng nổ mang đến nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức đáng kể cho các nước đang phát triển giàu khoáng sản trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là những nước đang phải vật lộn với sự phụ thuộc vào hàng hóa (là khi 60% doanh thu xuất khẩu hàng hóa trở lên của một quốc gia đến từ nguyên liệu thô).

Theo phân tích của UNCTAD, sự phụ thuộc này cản trở sự phát triển kinh tế và kéo dài sự bất bình đẳng, cũng như tình trạng dễ bị tổn thương trên khắp châu Phi cận Sahara, Nam Mỹ, Thái Bình Dương và Trung Đông. Tình trạng này hiện đang ảnh hưởng đến 95 quốc gia đang phát triển – tức gần 50% số thành viên của LHQ. Được biết, tổng cộng có 29 trong số 32 quốc gia được xếp vào nhóm có mức phát triển con người thấp trong năm 2021 đều phụ thuộc vào hàng hóa.

Thiếu đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản quan trọng

Đầu tư toàn cầu vào các khoáng sản quan trọng trong chuyển đổi năng lượng hiện không theo kịp nhu cầu ngày càng tăng. Mức sản xuất hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu cần thiết nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C như mục tiêu đã được đặt ra trong Thỏa thuận Paris.

UNCTAD cho biết, đã xác định được 110 dự án khai thác mỏ mới trên toàn thế giới, trị giá 39 tỷ USD, trong đó 22 tỷ USD được đầu tư vào 60 dự án ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030, ngành công nghiệp này có thể cần khoảng 80 mỏ đồng mới, 70 mỏ lithium và niken mới, và 30 mỏ coban mới.

Từ năm 2022 đến năm 2030, khoản đầu tư cần thiết sẽ dao động từ 360 - 450 tỷ USD, nhưng khoảng cách thiếu hụt có thể lên đến từ 180 - 270 tỷ USD. Sự thiếu hụt đáng kể nhất là các khoản đầu tư vào khai thác đồng và niken, lần lượt chiếm 36% và 16% tổng lượng thiếu hụt.

Cần gia tăng giá trị tại địa phương

Theo đánh giá, các dự án khai thác khoáng sản mới cần mang lại cơ hội cho nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi. Châu lục này tự hào có hơn 1/5 trữ lượng thế giới về hàng chục kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, trong đó có 19% lượng kim loại cần thiết cho xe điện. Nhưng để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản của mình, các nước đang phát triển phải vượt ra khỏi việc chỉ cung cấp khoáng sản thô và nâng cao chuỗi giá trị.

Phân tích của UNCTAD về chuỗi cung ứng xe điện cho thấy, không có quốc gia nào từ châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh hiện là nước đóng vai trò chính trong sản xuất hoặc kinh doanh vật liệu pin xe điện. Tuy nhiên, Congo đã cho thấy các nước đang phát triển có thể đạt được tiến bộ trong việc tăng thêm giá trị cho khoáng sản của mình bằng cách tinh chế và chế biến khoáng sản ngay trong nước, giúp tăng giá khoáng sản khi xuất khẩu.

TỐ QUYÊN (LƯỢC DỊCH TỪ APNEWS)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/chuyen-dich-nang-luong-toan-cau-mang-den-co-hoi-va-rui-ro-cho-cac-nuoc-dang-phat-trien-140563.html