Chuyển đổi ATM từ thẻ từ sang thẻ chip: Lãng phí hàng trăm tỷ đồng?
Giadinh.net - Thông tin Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc việc chuyển đổi công nghệ thẻ ATM từ thẻ từ hiện nay sang thẻ chip thu hút sự chú ý của dư luận.
Đặc biệt, khi những chiếc thẻ từ còn đắc dụng, việc chuyển đổi được tính toán là tiêu tốn đến hàng trăm tỷ đồng này sẽ là một sự lãng phí lớn.
Vẫn tốt, việc gì phải thay?
Việc chuyển đổi công nghệ thẻ nên cần có lộ trình. Ảnh: Chí Cường
Tính bảo mật được cho là một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc chuyển từ công nghệ thẻ từ hiện nay sang thẻ chip. Tuy nhiên, theo thông tin từ một đơn vị uy tín trong lĩnh vực thẻ tại Việt Nam, cho đến nay những gian lận xuất phát từ tính bảo mật của loại thẻ ATM đang dùng ở Việt Nam gần như bằng không. Tổng giám đốc đơn vị này (xin được giấu tên) cho biết, những sự cố xảy ra với chiếc thẻ ATM đang dùng chủ yếu bởi nguyên nhân khách quan, do người dùng làm lộ mật khẩu, mất thẻ. Nếu chỉ với những tính năng gửi, rút tiền hay thanh toán tại các điểm quẹt thẻ (POS) hiện đang được đa số người dùng thẻ ATM ở Việt Nam sử dụng thì công nghệ thẻ từ vẫn đảm bảo tính an toàn cao.
Ông này phân tích, trước đây 3 liên minh thẻ lớn của thế giới là Europay, Master Card và Visa đã đưa ra chuẩn EMV cho loại thẻ chip và khuyến cáo các nước chuyển đổi từ thẻ từ sang loại thẻ chip này. Tuy nhiên, khuyến cáo đó hướng vào loại thẻ tín dụng như Visa Card, chứ không phải loại thẻ ghi nợ ATM như đa số đang dùng hiện nay ở Việt Nam. Các loại thẻ tín dụng cần tính bảo mật cao hơn theo công nghệ này vì chúng được dùng cho thanh toán điện tử, như mua hàng trên mạng. Khi đó, nếu dùng công nghệ thẻ từ thì sẽ có nguy cơ bị đánh cắp cao. Các hacker có thể ăn cắp mật khẩu qua việc giao dịch mua bán trên mạng. Thẻ chip - thẻ thông minh sẽ khắc phục được lỗ hổng này. Còn với loại thẻ ATM đang dùng phổ biến ở Việt Nam, đa số chỉ dùng cho việc rút, gửi tiền hay thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng có POS thanh toán bằng thẻ nên công nghệ từ vẫn đảm bảo tính an toàn. Điều đó có nghĩa, ở Việt Nam chưa cần thiết tính tới việc chuyển đổi hệ thống thẻ ATM từ khi thẻ từ sang thẻ chíp.
Lãng phí khi chưa cần thiết
Theo một thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2009, thị trường có hơn 17 triệu thẻ đang lưu hành. Đa số các ngân hàng phát hành thẻ đều theo công nghệ từ, chỉ một số ngân hàng đi sau hoặc các loại thẻ thế hệ sau mới áp dụng công nghệ bảo mật bằng chip. Các chuyên gia trong lĩnh vực thẻ cho biết, chi phí cho một chiếc thẻ chip thậm chí còn cao hơn chi phí cho một chiếc thẻ từ đang dùng (chi phí làm thẻ ATM hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng mức 50.000đ/chiếc). Do đó nếu thay thế toàn bộ số thẻ đang dùng công nghệ chíp để chuyển sang công nghệ từ thì tổng chi phí có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể đến các thiết bị nhận thẻ cũng phải nâng cấp. Với khoảng 8.800 cây ATM và 28.300 POS, chi phí nâng cấp cũng không hề nhỏ. Theo tính toán của các chuyên gia để nâng cấp một cây ATM theo công nghệ cũ có khả năng chấp nhận thẻ chip phải mất thêm khoảng 1.000 USD.
Ở một khía cạnh khác, việc thay thế thẻ từ bằng thẻ chip theo chuẩn EMV được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng. Thẻ chip còn được gọi là “thẻ thông minh” có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn loại thẻ từ đang dùng. Một thẻ chip có thể tích hợp nhiều chức năng như: thẻ ngân hàng, chứng minh thư, thẻ tín dụng, lưu trữ thông tin cá nhân, bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, hiện nay hệ thống dữ liệu điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, nên các tính năng “thông minh” của thẻ chip sẽ khó có thể được sử dụng trong tương lai gần (ví dụ Thông tin CMND điện tử, BHXH điện tử...). Mặt khác, thương mại điện tử ở Việt Nam cũng chưa phát triển. Đó cũng là điều các ngân hàng đang phải cân nhắc trước khi bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để thay thế thẻ chip phục vụ cho thương mại điện tử.
Theo nhiều chuyên gia, việc chuyển đổi là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước nên có một lộ trình dài hơi, biện pháp hay nhất là để song hành hai loại thẻ từ và chip chứ không nên thay thế đồng loạt sẽ rất lãng phí. Hiện nay, các loại thẻ tín dụng như Visa Card thường 1 năm phải làm lại một lần. Còn các loại thẻ ghi nợ ATM thì có ngân hàng quy định 3 năm làm lại một lần hoặc vô thời hạn, dùng khi nào hỏng mới phải làm lại.
Nên nâng cấp cái hiện có
“Tôi dùng thẻ của Vietinbank, hôm nọ tôi đi rút tiền, không rút được không hiểu có phải là do đổi thẻ rồi không. Tôi phải gọi điện lên tổng đài hỏi mới biết là chưa đổi, không rút được là do máy hỏng. Tôi thấy tivi nói chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip gì đó không rõ thế nào, không biết có phải mất thêm tiền làm thẻ mới hay không. Cơ quan tôi trả tiền qua thẻ gần 3 năm nay rồi nhưng thấy vẫn có nhiều cái bất tiện. Điểm rút tiền ít lại hay bị hỏng. Theo tôi nếu có dư tiền thì các ngân hàng nên đầu tư thêm vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có”.
Chị Nguyễn Thị Hiên, 45 tuổi, ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Cần có lộ trình
“Việc chuyển đổi công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip trên nguyên tắc sẽ cung cấp thêm lợi ích cho khách hàng. Độ bảo mật của thẻ sẽ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, khách hàng cũng không cần lo lắng vì những chiếc thẻ từ hiện nay sẽ vẫn dùng được. Việc chuyển đổi cần có một lộ trình. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip phải mất cả chục năm. Hiện nay, Vietcombank đã phát hành một số loại thẻ theo công nghệ thẻ chip, đó là các thẻ tín dụng. Về mặt hạ tầng, các cây ATM của Vietcombank hiện nay nếu được nâng cấp lên sẽ đọc được các loại thẻ chip”.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
Dễ vấp phải sự phản đối của dư luận
“Theo tôi hiện nay, việc trả lương qua thẻ phần nhiều vẫn mang tính cưỡng chế hành chính, người dân vẫn chưa thực sự bỏ được thói quen sử dụng tiền mặt. Nếu bây giờ lại phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để nâng cấp thẻ thì sẽ vấp phải sự phản đối của dư luận. Nhu cầu sử dụng các tiện ích từ thẻ chưa nhiều, nếu có chỉ là một nhóm nhỏ các khách hàng. Trong trường hợp đó, nên để các ngân hàng, các đơn vị phát hành thẻ chủ động trong việc chuyển đổi, phát triển hệ thống thẻ theo công nghệ mới. Thực tế là thương mại điện tử của Việt Nam cũng chưa phát triển nên việc sử dụng thẻ chip với độ bảo mật cao cũng không phải là nhu cầu cấp bách. Tôi cho rằng nên để các ngân hàng chủ động cân nhắc và chủ động trong việc chuyển đổi sẽ tiết kiệm và tận dụng tối đa được các tiện ích”.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội
Đ.K ghi
Đắc Kiên