Chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập
Năm 2023, Đồng Nai gieo trồng gần 141,7 ngàn hécta cây hàng năm, trong đó có hơn 51 ngàn hécta lúa. Diện tích lúa qua các năm có xu hướng giảm vì thu nhập từ cây lúa mang lại thấp hơn so với các cây trồng khác. Do đó, nhiều nông dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây hàng năm khác và cây ăn trái cho lợi nhuận cao gấp 4-10 lần so với trồng lúa. Tại nhiều huyện như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ…, nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng tương đối thành công.
Đơn cử, tại các xã: Bình Hòa, Tân Bình và Bình Lợi của huyện Vĩnh Cửu, nhiều nông dân đã chuyển đất lúa 1-2 vụ/năm (do thiếu nước canh tác) sang trồng bưởi, lợi nhuận tăng thêm 300-400 triệu đồng/năm và không lo thiếu nước tưới. Ở các huyện: Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú, nhiều cánh đồng sản xuất lúa thiếu nước, nông dân chuyển qua trồng bắp, rau ăn lá, ăn quả cho lợi nhuận tăng gấp 4-6 lần so với trồng lúa. Trong Phong trào Xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước là do tỉnh đã tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế cho người dân vùng nông thôn. Một trong những giải pháp đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tạo thành các vùng chuyên canh cho năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao.
Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã xác định thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh không phải cây lúa, mà là cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm. Nhưng để đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, tỉnh vẫn giữ lại diện tích trồng lúa 3 vụ/năm chủ động được nguồn nước tưới. Còn các diện tích lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới, sản xuất chỉ đợi vào nước mưa đang được người dân chuyển đổi dần sang cây trồng khác để khai thác được hiệu quả của đất đai. Điều này cũng phù hợp với tình hình thời tiết những năm gần đây đang nóng dần lên và mùa khô ít có mưa trái mùa.
Theo một số nông dân, nếu đủ nước tưới, trồng lúa 3 vụ/năm, năng suất cao thì lợi nhuận thu được cũng chỉ từ 70-80 triệu đồng/hécta. Vào năm thời tiết ít mưa, khu vực trồng lúa không có hệ thống thủy lợi, nông dân sẽ tốn nhiều chi phí để bơm nước tưới cho lúa. Cây lúa là cây cần nhiều nước tưới và sức chịu hạn kém hơn các cây hàng năm, lâu năm khác.
Hiện nay, diện tích cây trồng có hệ thống thủy lợi để tưới ở Đồng Nai chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Đa số diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn dựa vào nước mưa, nước ngầm, nước dẫn từ các sông, suối, đập dâng về và nguồn nước không ổn định. Do đó, chuyển đổi những vùng trồng lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang các cây trồng khác để đảm bảo nguồn nước tưới, lại cho lợi nhuận cao hơn nên được khuyến khích.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/chuyen-doi-cay-trong-tang-thu-nhap-c216d5c/