Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nâng cao thu nhập
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, thời gian qua, cơ quan chuyên môn các địa phương hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đúng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, thực hiện thủ tục xin chuyển đổi đúng theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép vào kế hoạch sản xuất cây trồng năm 2023 và kế hoạch sản xuất từng vụ. Qua đó để triển khai, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo hướng giảm diện tích canh tác lúa ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước, sản xuất lúa kém hiệu quả, nhất là trong vụ hè thu.
Năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 11.500ha, đạt 182,5% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm là gần 7.500ha (đạt 193,5% so với kế hoạch). Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là bắp, mè, ớt, khoai lang, khoai môn, kiệu, sen, rau đậu các loại.
Đối với diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang canh tác cây lâu năm là gần 2.000ha (đạt 165,6% so với kế hoạch) với các loại cây chủ yếu là xoài, cam, quýt, mít, sầu riêng, chanh. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản là 54ha (đạt 145,1% so với kế hoạch), chủ yếu thực hiện luân canh các mô hình lúa - tôm, lúa - cá.
Theo UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo trong công tác quản lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quan tâm trong đầu tư phát triển sản xuất, công tác khuyến nông, dự báo sâu bệnh được tuyên truyền thường xuyên, mang lại hiệu quả. Chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho người dân có nhu cầu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm ở những vùng gò cao, diện tích phù hợp với điều kiện sản xuất và quy hoạch của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương vận động nhân rộng đạt được những kết quả khả quan trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tạo việc làm ổn định cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp tăng thu nhập cho người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, hệ thống giao thông, thủy lợi các vùng sản xuất tập trung được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh giúp nông dân an tâm sản xuất, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi. Các biện pháp sản xuất được áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa vào vườn cây ăn trái ngày một nhiều hơn, đây là giải pháp giảm chi phí sản xuất và công lao động cho nông dân.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn như: một số hộ dân chuyển đổi mang tính tự phát, không thực hiện khai báo, chưa theo quy hoạch của địa phương nên xảy ra xung đột lợi ích trong quá trình canh tác, đồng thời gây khó khăn cho công tác tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát. Diện tích chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún, người trực tiếp sản xuất bị giới hạn về kiến thức chuyên môn nên việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nhằm giảm giá thành sản xuất gặp khó khăn.
Mặt khác, việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân chưa được chặt chẽ. Do tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hợp tác để cùng sản xuất, tạo ra nông sản có chất lượng đồng đều nên khó đáp ứng yêu cầu thị trường; nông dân chưa nhận thức sâu sắc hiệu quả của việc liên kết, còn e ngại những ràng buộc khi hợp tác với doanh nghiệp... dẫn đến việc hợp tác với doanh nghiệp thiếu bền vững.
Theo UBND tỉnh, năm 2024, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là trên 10.000ha. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là gần 7.000ha, trồng cây lâu năm 3.000ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 13ha.