Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Ngọc Lặc

Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chuyển đổi diện tích cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng dứa mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Quang Trung.

Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, thực hiện rà soát, thống kê diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của địa phương, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; từ đó, xây dựng những mô hình điểm và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất... Nhờ vậy, xã Quang Trung đã đạt được những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã thực hiện chuyển đổi hơn 200 ha trồng mía kém hiệu quả sang canh tác các cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, như: Dứa, keo, sắn dây; các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chanh leo,... Thực tế cho thấy, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, diện tích các loại cây trồng sau khi chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với cây trồng cũ.

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn huyện, như: Kiên Thọ, Thạch Lập, Cao Thịnh, Ngọc Trung,... cũng đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi hơn 215 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi 217 ha trồng mía có độ dốc cao, giao thông khó khăn sang trồng sắn, ngô, cây lâm nghiệp; chuyển đổi 1.900 ha ngô trồng trên đất lâm nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp... Thực tế cho thấy một số loại cây trồng thu nhập hàng năm đạt hơn 100 triệu đồng/ha từng bước được mở rộng diện tích, như: cây dứa tại các xã Cao Thịnh, Ngọc Trung, Lộc Thịnh; cây sắn dây tại các xã Ngọc Liên, Ngọc Sơn,... Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bước đầu phát huy hiệu quả, như: mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng quy mô 2 ha tại các xã Lam Sơn, Minh Sơn, Kiên Thọ,...; trồng cây ăn quả có múi ở các xã Kiên Thọ, Lộc Thịnh, Thạch Lập...; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Thúy Sơn, Ngọc Sơn; mô hình trồng vải không hạt, bơ Israel, thanh long của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm,...

Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, huyện Ngọc Lặc đã và đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; tuy nhiên, việc chuyển đổi phải có kế hoạch, phù hợp thực tế địa phương. Do vậy, hằng năm, UBND huyện đã yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết về diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... trên cơ sở đó huyện có kế hoạch xây dựng các mô hình hướng dẫn người dân triển khai nhân rộng. Đồng thời, hỗ trợ người dân về giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng kỹ thuật, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và tâm lý của người dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả, như cây dược liệu (nghệ, cà gai leo); cây sắn dây, cây dứa... ở những nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng. Cùng với đó, khuyến khích người dân, HTX tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-huyen-ngoc-lac/127640.htm