Chuyển đổi cơ cấu giống vụ lúa xuân 2024
Những năm qua, cơ cấu giống vụ lúa xuân luôn có sự thay đổi để thích ứng với tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ. Sản xuất vụ lúa xuân hiện nay đang tiếp tục có sự chuyển đổi, giảm tỷ lệ lúa lai, tăng tỷ lệ lúa thuần năng suất, chất lượng cao. Đây là hướng đi giúp bảo đảm cả về năng suất và giá trị trên diện tích gieo cấy.
HTXDVNN Quế Sơn (An Lão – Bình Lục) vụ lúa xuân 2024 xây dựng kế hoạch gieo cấy 470 ha lúa. Về cơ cấu giống, HTX bố trí giảm tỷ lệ lúa lai 20%, giảm gần 50% so với vụ xuân trước. Đồng thời, nâng tỷ lệ lúa thuần (chủ yếu là giống Khang dân 18) lên 60% diện tích, tỷ lệ còn lại là các giống lúa thuần chất lượng. Như vậy, cơ cấu giống lúa của HTX đã có sự thay đổi căn bản, hướng đến nhu cầu thị trường. Lúa lai cao cây chỉ còn được áp dụng cấy ở những chân ruộng cốt đất thấp.
Ông Trần Tuấn Xuân, Giám đốc HTXDVNN Quế Sơn cho biết: Khi xây dựng cơ cấu giống cho mùa vụ Hội đồng quản trị HTX đã tính đến điều kiện thực tế sản xuất, giá trị và đầu ra của sản phẩm. Năng suất lúa hiện nay, kể cả lúa thuần đều đạt cao, sản xuất hướng đến những giống lúa được cả tiêu dùng tại chỗ và thị trường ưa chuộng.
Toàn huyện Bình Lục có diện tích gieo cấy lúa xuân 7.600 ha, lớn nhất tỉnh. Trong vụ xuân tới, cơ cấu giống lúa được thay đổi đáng kể với tỷ lệ lúa lai chỉ còn từ 20 – 25%, so với gần 40% của vụ xuân 2023. Thay vào đó, lúa thuần chất lượng cao được xây dựng cơ cấu chiếm từ 50 – 55% diện tích; lúa thuần năng suất cao 15 – 20% diện tích. Nhiều địa phương trong huyện có tỷ lệ lúa lai cao từ 50 – 70%, hiện giảm sâu chỉ còn 20 – 30% so với trước. Điển hình, tại xã Đồn Xá, trong tổng số hơn 220 ha sản xuất lúa vụ xuân, cơ cấu giống lúa lai được bố trí 10%. Phần lớn diện tích sản xuất lúa tại địa phương được tập trung cấy các giống lúa thuần chất lượng cung cấp cho thị trường tiêu dùng, như: Bắc thơm số 7 KBL, Thiên ưu 8, VTNA6, Đài thơm 8…
Người dân xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) lựa chọn giống lúa thuần năng suất cao ĐT 37 gieo cấy vụ lúa xuân 2024. Ảnh: Thành Nam
Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Bình Lục, do diện tích gieo cấy lớn, sản lượng thóc mỗi vụ của huyện đạt trên 50 nghìn tấn, trong đó nhu cầu sử dụng lương thực chỉ chiếm gần 50% còn lại trở thành hàng hóa. Vì thế, việc thay đổi cơ cấu giống, giảm tỷ lệ lúa lai trên địa bàn là xu hướng tất yếu theo thị trường. Khả năng, lúa lai trong những vụ tới trong cơ cấu giống của các vụ sản xuất tại huyện sẽ tiếp tục giảm thêm.
Cùng với Bình Lục, các địa phương khác trong tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa vụ xuân. Huyện Lý Nhân xây dựng cơ cấu gieo cấy giống lúa lai khoảng 40%, giảm khoảng 20 – 30% so với giai đoạn cao điểm cách đây 5 năm. Tuy nhiên, khả năng cơ cấu lúa lai của huyện còn giảm khi người dân có xu hướng mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng và lúa thuần có tiềm năng năng suất. Như vụ xuân 2023, diện tích gieo cấy lúa lai của Lý Nhân chỉ ở mức hơn 34%.
Với huyện Thanh Liêm, lúa thuần chất lượng được xây dựng cơ cấu lên 50 – 55%, lúa thuần năng suất cao 15 – 20%, lúa lai chỉ còn 20 – 25% thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Không ít HTXDVNN trong huyện xây dựng cơ cấu giống vụ xuân với tỷ lệ lúa chất lượng và lúa thuần năng suất cao lên 85 – 90%, tỷ lệ lúa lai còn rất thấp. Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm cho biết: Cơ cấu giống lúa vụ xuân trên địa bàn huyện thay đổi mạnh trong mấy năm gần đây. Người dân chú trọng đến sản xuất các giống lúa chất lượng, lúa thuần chi phí thấp, dễ chăm sóc và cho năng suất cao không kém lúa lai.
Trong cơ cấu giống sản xuất vụ lúa xuân của tỉnh, ngành NN & PTNT đã bố trí cơ cấu giống thay đổi, tăng tỷ lệ lúa thuần chất lượng, giảm tỷ lệ lúa lai. Cụ thể, lúa chất lượng chiếm tỷ lệ trên 50%, lúa thuần năng suất cao 15 – 20%, lúa lai chỉ ở mức 20 – 25%. Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa trong vụ xuân đem lại hiệu quả rõ rệt. Về chi phí giống lúa chất lượng, lúa thuần năng suất cao chỉ bằng 50 – 60% lúa lai. Với diện tích gieo cấy của một hộ dân 1 mẫu lúa có thể giảm từ 300 - 400 nghìn đồng tiền giống khi không gieo cấy lúa lai. Giống lúa thuần được sản xuất trong nước chủ động được nguồn cung và ổn định về giá bán. Sản xuất lúa thuần các loại không đòi hỏi thâm canh cao như lúa lai, giúp giảm được lượng phân bón khoảng 20%. Những giống lúa chất lượng hiện nay có độ thuần, thích nghi tốt với điều kiện đồng đất, khí hậu, chống chịu sâu, bệnh tốt. Năng suất các giống lúa thuần hiện nay khá cao, phần lớn đạt từ 200 kg/sào trở lên, như: LT2 KBL, nếp 87, nếp 97… Nhiều giống lúa thuần năng suất cao cho năng suất tương đương lúa lai. Cùng với đó, lúa thuần dễ tiêu thụ trên thị trường hơn lúa lai. Điển hình, thóc Khang dân 18 hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp, đại lý thu mua phục vụ chế biến (làm bún, bánh), mức giá đạt đến hơn 10 nghìn đồng/kg, tăng gấp 1,5 lần trước đây.
Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) đánh giá: Chuyển đổi cơ cấu giống trong vụ xuân là xu thế tất yếu của sản xuất khi bộ giống lúa thuần ngày càng có nhiều thay thế. Đồng thời, việc thay đổi giúp giảm chi phí sản xuất trên đồng ruộng trong điều kiện chi phí đầu vào ngày càng tăng cao. Việc liên kết với doanh nghiệp cũng tác động đến cơ cấu giống do sản xuất theo nhu cầu thu mua.
Sản xuất vụ lúa xuân 2024 đang đến gần, chi phí sản xuất từ giá phân bón, giống, công lao động… tăng lên so với những vụ trước. Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống góp phần giảm mức đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích gieo cấy.