Chuyển đổi cơ cấu giống vụ lúa xuân theo hướng hàng hóa chất lượng
Sản xuất vụ xuân luôn được xác định đóng vai trò chủ lực quyết định năng suất lúa của cả năm (chiếm 60%). Vì vậy, cùng với bảo đảm năng suất, cây lúa vụ xuân đang được đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng hàng hóa chất lượng. Đây là hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao giá trị trên diện tích gieo cấy.
Trên đồng ruộng của tỉnh ta hiện nay, cơ cấu giống đang được đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng giảm tỷ lệ lúa lai, mở rộng diện tích lúa chất lượng. Tại xã Văn Xá (thị xã Kim Bảng) việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng hàng hóa chất lượng được thực hiện nhanh. Hiện lúa chất lượng trong vụ xuân ở Văn Xá chiếm trên 90%, chỉ những diện tích quá trũng mới gieo cấy lúa lai. Phần lớn diện tích này được cấy lúa nếp, phần còn lại cấy một số giống chất lượng khác, như: Bắc thơm số 7, ST 25… Lúa hàng hóa tại xã cũng được quy hoạch sản xuất gọn vùng bảo đảm cùng giống, cùng trà, thuận lợi cho quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Văn Xá cho biết: Sản xuất lúa chất lượng tại địa phương phát triển theo nhu cầu thị trường. Toàn bộ sản phẩm thóc nếp khi thu hoạch đều được người dân bán cho hệ thống đại lý trên địa bàn. Hướng sản xuất này đem lại hiệu quả cao hơn khoảng 20 – 25% so với sản xuất nhiều loại giống manh mún trước đây.
Với nhiều địa phương khác trong tỉnh, tỷ lệ lúa chất lượng trong sản xuất vụ xuân cũng được tăng lên đáng kể qua từng năm. Vụ xuân năm 2025, lúa chất lượng chiếm 53% diện tích, tăng 2,5% so với vụ xuân trước, trở thành hướng sản xuất chủ lực trên đồng ruộng của tỉnh. Nhiều địa phương có tỷ lệ lúa chất lượng cao, như: thị xã Duy Tiên 57,8%, thị xã Kim Bảng 57,7%, huyện Bình Lục 55%... Ở huyện Thanh Liêm, trước đây, lúa lai đóng vai trò chủ lực (hơn 60% diện tích), nhưng hiện nay, lúa chất lượng gieo cấy đã chiếm tỷ lệ hơn 53%. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc, áp dụng phương thức mạ khay, cấy máy… Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Liêm, địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng hàng hóa chất lượng trong vụ xuân. Hạ tầng đồng ruộng, nhất là các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng góp phần xóa bỏ tình trạng úng, trũng tạo thuận lợi trong việc bố trí lại sản xuất theo hướng tập trung. Sản phẩm thóc từ diện tích gieo cấy của huyện đang dần trở thành hàng hóa, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Lúa chất lượng được cấy máy trên cánh đồng mẫu trong vụ xuân tại phường Tượng Lĩnh (Kim Bảng).
Tại các địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng hàng hóa chất lượng trong vụ xuân đã giúp phát huy hiệu quả sản xuất. Thuận lợi chính hiện nay là có nhiều giống lúa chất lượng có khả năng cho năng suất cao (trên 60 tạ/ha/vụ), tương đương với lúa lai để các địa phương lựa chọn phù hợp với điều kiện sản xuất. Về giá giống lúa chất lượng chỉ bằng 50 – 70% so với lúa lai (dao động từ 30 – 50 nghìn đồng/kg). Hơn nữa, lúa chất lượng là dòng lúa thuần phù hợp và thích nghi tốt với đồng đất địa phương, không đòi hỏi thâm canh cao (sử dụng ít phân bón hơn lúa lai); sâu, bệnh hại hạn chế… Đặc biệt, nhu cầu thị trường hiện nay hướng nhiều đến các sản phẩm chất lượng, nâng cao giá bán. Bình quân, giá thóc, gạo chất lượng cao hơn từ 1,2 – 1,5 lần lúa lai hay các giống lúa thuần khác. Các doanh nghiệp chế biến thóc gạo thu mua sản phẩm thóc chất lượng nhiều hơn những loại thóc khác… Trao đổi về chuyển đổi cơ cấu giống lúa vụ xuân, ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá: Tỷ lệ lúa chất lượng trong cơ cấu giống của tỉnh đang được mở rộng đóng vai trò chủ lực trong mùa vụ. Đây là nhu cầu phát triển tất yếu, đúng theo định hướng của tỉnh, tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hóa cao. Hướng đi này đang được ngành định hướng tiếp tục duy trì và mở rộng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng nói chung và trong vụ xuân nói riêng vẫn đang gặp phải những khó khăn, hạn chế. Đó là sản xuất tại một số địa phương vẫn còn tình trạng manh mún, chưa hình thành được vùng tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Sản xuất lúa chất lượng vẫn chưa tổ chức được nhiều mô hình hữu cơ, Viet GAP để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị cao (xuất khẩu, đưa vào các siêu thị, cửa hàng bán nông sản an toàn). Hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có ít diện tích hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Diện tích sản xuất lúa của tỉnh vẫn đang duy trì hơn 26.000 ha mỗi vụ. Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 70 cánh đồng mẫu, một số mô hình tập trung ruộng đất. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng tập trung, áp dụng phương pháp sản xuất an toàn, hữu cơ, Viet GAP… Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất và lợi nhuận trên diện tích gieo cấy.