Chuyển đổi công nghệ số sẽ cách mạng hóa ngành nông nghiệp
Công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp sẽ là giải pháp căn bản, đi kèm với những giải pháp đổi mới sáng tạo và nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân để tạo ra cuộc cách mang mới của ngành nông nghiệp tại Việt Nam…
Ngày 9/11/2023, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo quốc tế “Chuyển đổi Kỹ thuật số trong Nông nghiệp: Hướng đi tiếp theo tại Việt Nam”.
CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ NÔNG NGHIỆP BẮT KỊP TĂNG TRƯỞNG XANH
Phát biểu khai mạc, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào và Campuchia, đánh giá sự thành công của nông nghiệp Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì tính cạnh tranh bằng những sản phẩm chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc và bền vững thông qua chuỗi cung ứng hiệu quả. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần phải nhanh chóng bắt kịp lộ trình tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, vì đây là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của cả nước.
Giảm phát thải, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ giúp hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và mang lại sinh kế bền vững. Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải methan từ sản xuất lúa gạo, và đảm bảo không sản xuất cà phê ở những khu vực rừng đã bị tàn phá.
Tuy nhiên, theo ông Thomas Jacobs, do các hộ nông dân quy mô nhỏ chiếm đa số ở Việt Nam nên đã tạo ra thách thức phức tạp trong việc triển khai các công nghệ và phương pháp sản xuất mới, giải quyết các tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị.
"May mắn là có một cơ hội quý giá và hiếm có để giúp ngành nông nghiệp phát huy hết tiềm năng và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài của đất nước. Cơ hội này nằm ở sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo (Al), và Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này”.
Bà Carrie Turk, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
“Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ, nông dân, các công ty kinh doanh nông nghiệp và các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp cần chung tay hành động. Công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp sẽ là giải pháp căn bản, đi kèm với những giải pháp đổi mới sáng tạo và nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân”, ông Thomas Jacobs nhấn mạnh và cho biết IFC đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp ở Việt Nam để giúp nông dân sản xuất các loại lương thực thiết yếu như gạo và các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng như cà phê, hạt tiêu, áp dụng các công cụ kỹ thuật số và phương pháp canh tác thông minh để tăng sản lượng và giảm chi phí.
Theo đó, IFC đang đầu tư vào các công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị nông nghiệp, chẳng hạn như công nghệ bảo quản giúp kéo dài thời gian sử dụng của nông sản, các công nghệ thông minh điện tử hướng dẫn nông dân tối ưu hóa việc cho cá ăn, nền tảng kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng thông qua bán lẻ trực tuyến.
"Chúng tôi cũng đang phát triển giải pháp kỹ thuật số để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm như Jacobs Douve Egber JDE, là công ty Mỹ - Hà Lan đang thu mua cà phê từ Việt Nam, nhận dữ liệu cây trồng theo thời gian thực để góp phần cấp chứng nhận và báo cáo về tác động của khí hậu một cách tích cực và có thể truy xuất nguồn gốc”, ông Thomas Jacobs chia sẻ.
Theo bà Carrie Turk, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, đóng góp 12% GDP và gần 30% việc làm. Mặc dù nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong vài thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cần giải quyết để phát huy tiềm năng phát triển của ngành và góp phần thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.
NHIỀU CÔNG NGHỆ SỐ ĐANG ĐƯỢC ỨNG DỤNG VÀO NÔNG NGHIỆP
Bà Carrie Turk nêu lên những thành tựu công nghệ số có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp, như máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh và hệ thống GPS có thể được sử dụng cho nông nghiệp chính xác.
Bằng cách thu thập dữ liệu về điều kiện thổ nhưỡng, sức khỏe cây trồng và sự phá hoại của sâu bệnh, nông dân có thể đưa ra quyêt định dựa trên dữ liệu và tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực vào canh tác. Các ứng dụng di động quản lý hệ thống tưới tiêu có thể cung cấp dữ liệu thời gian thực về độ ẩm của đất, điều kiện thời tiết và lượng nước sử dụng. Điều này giúp nông dân tối ưu hóa các biện pháp tưới tiêu, bảo vệ tài nguyên nước và tăng khả năng thích ứng với khí hậu của nông nghiệp.
Các công nghệ kỹ thuật số như cảm biến, nền tảng điển tử và chuỗi khối có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc từ đấu đến cuối của toàn chuỗi cung ứng của các sản phẩm nông nghiệp. Điều này đảm bảo tính minh bạch và tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng bằng cách cung cấp thông tin về nguồn gốc, phương pháp sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Nền tảng thương mại điện tử giúp kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng, cho phép nông dân bán sản phẩm trực tuyến mà không cần qua trung gian. Điều này không chỉ làm giảm chi phí giao dịch mà còn giúp nông dân thu được lợi nhuận cao hơn. Hệ thống thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ ngân hàng di động giúp nông dân có khả năng nhận thanh toán điện tử, giảm sự phụ thuộc vào giao dịch tiền mặt và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Tuy vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp là thách thức lớn. Nếu như ở các ngành khác chuyển đổi số khó khăn một thì ở mảng nông nghiệp khó khăn được nhân lên gấp nhiều lần.
"Ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng khoảng 14% GDP kinh tế nhưng giải quyết cho 66% dân số. Do đó, chấp nhận khó khăn và đương đầu với khó khăn là nghĩa vụ thiêng liêng của việc chuyển đổi số nông nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hiệp, chuyển đổi số là quá trình xuyên suốt và liền mạch, có bắt đầu và không kết thúc. Chúng ta cần có cách nghĩ và cách làm khác mới thành công được. "Phần mềm, máy tính, đám mây chỉ là công cụ. Người nông dân không tham gia với mình nếu như không có quyền lợi trong đó”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý đồng thời cho biết hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang gấp rút thực hiện bản đồ kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và sẽ ra mắt trong tháng 11 này. Đây chính là bản lề để thực hiện chuyển đổi số, truy vết nguồn gốc và giúp các địa phương thực hiện đồng bộ hơn.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-doi-cong-nghe-so-se-cach-mang-hoa-nganh-nong-nghiep.htm