Chuyển đổi để thích ứng với trạng thái 'bình thường mới' hậu COVID-19
Tại các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều chính phủ đã triển khai gói cứu trợ tài chính nhằm duy trì sự tồn tại của các ngành như du lịch, ăn uống, bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đã gần 5 tháng thế giới chứng kiến đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các nền kinh tế vĩ mô nói chung và lĩnh vực dịch vụ nói riêng.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách đã được đưa ra để khuyến khích doanh nghiệp và lực lượng lao động chuyển đổi mô hình, sáng tạo cách thức kinh doanh mới và phát triển kỹ năng để thích ứng với trạng thái "bình thường mới" trong thời điểm khó khăn này.
* Singapore: Chuyển đổi kinh tế số
Song Chao, ông chủ của hai thương hiệu nhà hàng đồ Trung Hoa nổi tiếng ở Singapore là Xie Lao Song và Xiao Wei Yang, là một trong những doanh nhân đã nhanh chóng hành động theo lời kêu gọi của Thủ tướng Lý Hiển Long trong việc nắm bắt các thay đổi mà đại dịch gây ra.
Kể từ ngày 7/4, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, hay còn gọi là giai đoạn "ngắt mạch" với việc đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh tế (trừ các dịch vụ thiết yếu).
Công ty của ông Song Chao đã đóng cửa một số nhà hàng, chỉ để lại một nhà hàng lẩu và một nhà hàng Trung Quốc mở cửa để phục vụ cho khách mang đi (take away) và giao hàng.
Hệ thống nhà hàng của ông Song Chao chủ yếu thực hiện các dịch vụ giao hàng thông qua trang web, ứng dụng di động WeChat, nền tảng giao hàng Star Taster và các mạng xã hội cá nhân của nhân viên. Mặt khác, các nhà hàng cũng thay đổi thực đơn với nhiều món ăn mà dễ dàng đóng gói, vận chuyển, phù hợp với nhu cầu take away của khách hàng.
Ông Song cho biết, giai đoạn "ngắt mạch" đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân Singapore. Ngay cả khi các biện pháp phong tỏa kết thúc vào ngày 19/6, các dịch vụ take away và giao hàng sẽ không thu hẹp ít nhất trong ngắn hạn.
Chính phủ Singapore đã khuyến khích các doanh nghiệp trong nước "lên đời" kỹ thuật số, đặc biệt là sau khi dịch COVID-19 bùng phát.
Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (ESG) đã tung ra "Gói tăng cường thương mại điện tử" nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nhân lực và chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có ít hoặc không có kinh nghiệm về thương mại điện tử, để giúp họ chuyển đổi kinh doanh sang bán hàng trực tuyến.
Trong bài phát biểu vào ngày 7/6, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore đã phát triển các kế hoạch chuẩn bị cho một nền Kinh tế Tương lai, bằng việc đầu tư mạnh mẽ để nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp của người lao động, số hóa cả khu vực công và tư nhân, xây dựng khả năng đổi mới và nghiên cứu - phát triển (R&D).
* Ấn Độ: Tạo việc làm ở nông thôn
Chính phủ Ấn Độ ngày 24/3 đã thông báo việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Việc này khiến khoảng 100 triệu lao động ngoại tỉnh - chiếm 20% tổng lực lượng lao động trên cả nước - rơi vào cảnh mất việc làm trong thời gian phong tỏa. Trong bối cảnh nền kinh tế "đóng cửa", những lao động nhập cư này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở về quê hương tìm kiếm cuộc sống mới.
Cuối tháng Sáu, Thủ tướng Narendra Modi đã phát động Chiến dịch việc làm phúc lợi cho người nghèo (Poor Welfare Employment Campaign - GKRA) mà có trị giá quy đổi sang USD vào khoảng 6,7 tỷ USD. Đây là kế hoạch nhằm thúc đẩy tạo việc làm ở khu vực nông thôn tại 116 huyện trên khắp cả nước, giúp những người lao động ngoại tỉnh từ các thành phố lớn quay trở về địa phương để tìm kế sinh nhai.
Chiến dịch này cũng bao gồm danh sách 25 công trình và hoạt động, như xây dựng đường cao tốc, tòa nhà, thiết lập hệ thống cung cấp mạng Internet, đường ống dẫn khí đốt.. Những dự án này sẽ được ưu tiên để đảm bảo việc làm cho lao động nhập cư.
Thủ tướng Modi cho biết, trong khuôn khổ chiến dịch GKRA, chính quyền địa phương sẽ triển khai các biện pháp cho phép người lao động ở nông thôn làm việc gần nhà hơn, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững và cung cấp các cơ sở hiện đại như Internet ở các làng quê.
* Thái Lan: Lấp đầy khoảng trống ngành du lịch
Đối với những thành phố phụ thuộc vào lượng du khách quốc tế lớn như thủ đô Bangkok, các điểm nóng du lịch như thành phố biển Pattaya và đảo Phuket, đại dịch đã tàn phá gần như toàn bộ hoạt động kinh tế ở đây. Thái Lan đã không đón khách du lịch nước ngoài kể từ khi ban hành lệnh cấm các chuyến bay quốc tế từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Theo ông Yuthasak Supasorn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), ngành du lịch của Thái Lan đang ở trong tình trạng thừa cung do không có du khách quốc tế.
Để vực dậy ngành công nghiệp không khói, và lấp đầy khoảng trống của thị trường nước ngoài, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt các gói kích thích trị giá 22,4 tỷ baht (716,8 triệu USD để thúc đẩy du lịch trong nước, với mục tiêu kích cầu khoảng 2 triệu chuyến du lịch nội địa trong giai đoạn từ tháng 7-10/2020.
Gói kích cầu du lịch nội địa này bao gồm trợ cấp về chi phí lưu trí, đi lại, ăn uống và phí vào cửa tại các điểm tham quan. Khách du lịch nội địa sẽ được tiếp cận các chương trình giảm giá, với giá trị khuyến mại tổng cộng là 20 tỷ baht (638 triệu USD).
Cụ thể giảm 40% tiền phòng khách sạn lên tới 3.000 baht (96 USD)/đêm, cũng như 3.000 baht cho các bữa ăn và những tiện nghi khác. Chính phủ cũng sẽ giảm 40% giá vé máy bay hoặc xe buýt, mức cao nhất lên tới 1.000 baht (32 USD).
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn tung ra gói tài trợ trị giá 2,4 tỷ baht dành cho 1,2 triệu tình nguyện viên và nhân viên ngành y tế đi nghỉ lễ, sử dụng dịch vụ của các công ty du lịch. Dự kiến 13.000 công ty lữ hành sẽ hưởng lợi nhờ chương trình này.
Thái Lan cũng đang cân nhắc các biện pháp an toàn để đón khách du lịch quốc tế quay lại nước này. Taweesin Visanuyothin, phát ngôn viên của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của chính phủ, cho biết ngành du lịch nước này sẽ được điều chỉnh lại trong giai đoạn đại dịch.
Thái Lan đang rời bỏ du lịch đại trà và hướng mục tiêu đến nhóm khách giàu có, cân bằng thị trường trong nước và quốc tế sẽ là xu hướng của ngành./.