Chuyển đổi kép - Thách thức lớn, áp lực cao

'Đến thời điểm này không thể nói làm cái gì trước, cái gì sau; không thể nói số trước xanh sau hay xanh trước số sau, mà cả hai cái này đều phải làm'.

Qua khảo sát hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thức được tính cấp thiết của chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh). Tuy nhiên, theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, vấn đề nhận thức hiện không còn là yếu tố quyết định, có nghĩa là có nhận thức rồi thì phải bắt tay ngay vào làm.

"Đã áp lực lắm rồi! Đến thời điểm này không thể nói làm cái gì trước, cái gì sau; không thể nói số trước xanh sau hay xanh trước số sau, mà cả hai cái này đều phải làm. Đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu, chúng tôi thấy bây giờ không phải doanh nghiệp muốn hay không mà bản thân thị trường và chuỗi cung ứng người ta đang yêu cầu. Ví dụ trong lĩnh vực như dệt may, da giày thì hiện rất nhiều tiêu chuẩn của châu Âu, của Mỹ, của nhiều nước đều đưa ra yêu cầu như bền vững, tuần hoàn, nguyên liệu đầu vào thì phải tái sử dụng…rất nhiều yêu cầu đưa ra. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thì không có lựa chọn nào khác".

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT.

Trong quá trình chuyển đổi có thực trạng nhiều doanh nghiệp đã triển khai các phần mềm quản lý nhưng lại không theo lộ trình bài bản, nên các phần mềm không tích hợp được với nhau. Hay nhiều doanh nghiệp mới chuyển đổi mang tính số hóa cơ bản như chuyển từ bản giấy sang bản mềm...mà chưa chuyển sang giai đoạn cao hơn là làm chủ công nghệ do mình quản lý. Đặc biệt, Việt Nam có đến 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính vì vậy thách thức rất lớn trong chuyển đổi kép chính là nguồn lực tài chính.

"Nói về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì Chính phủ đã vào cuộc rất sớm. Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia hay trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cũng đã có các chính sách hỗ trợ về tư vấn cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, đào tạo cho doanh nghiệp về xây dựng các lộ trình chuyển đổi số; thậm chí hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí để doanh nghiệp chuyển đổi giải pháp sản xuất kinh doanh của mình.

Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có tính đến các giải pháp về tín dụng xanh cho các doanh nghiệp. Chính phủ hiện đã chỉ đạo rất quyết liệt Bộ TN&MT cùng các bộ ngành liên quan khẩn chương ban hành tiêu chí thế nào là dự án xanh dựa trên cơ sở đó thì ngân hàng sẽ áp vào để đẩy nhanh các hoạt động triển khai.

Về phía KH&ĐT cũng hình thành các đội ngũ chuyên gia tư vấn để phái cử xuống các doanh nghiệp. Ban đầu giúp cho doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số; rà soát phần mềm của doanh nghiệp, hiện trạng như vậy thì phải đầu tư mới gì, đầu tư mới thì mục tiêu đến 2025 hay 2030 thì sẽ đạt được mức độ như thế nào...Ngoài ra, chúng tôi đang có kế hoạch sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để điều chỉnh các đối tượng của quỹ này, hướng đến hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tiếp cận nguồn tài chính rẻ hơn".

Áp lực hiện nay rất lớn, đòi hỏi cao về mặt thời gian khi đến năm 2025, rất nhiều tiêu chuẩn của châu Âu sẽ có hiệu lực. Thời gian sẽ không chờ đợi bất kỳ một quốc gia hay một doanh nghiệp nào. Chỉ có hành động quyết liệt ngay từ bây giờ trong việc thực thi, triển khai chính sách từ các cấp quản lý; hành động mạnh mẽ trong tư duy và định hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp. Có như vậy, nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam mới "khỏe" để vững bước phát triển, đón bắt được những cơ hội mới, vận hội mới.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/chuyen-doi-kep-thach-thuc-lon-ap-luc-cao-102240815163658877.htm