Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh: Cần giải pháp mạnh mẽ

Theo T.S Dư Văn Toán, trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, cần có các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để cải thiện chất lượng không khí. Một trong những giải pháp khả thi là tăng thuế đối với xe chạy bằng xăng dầu và trợ cấp cho việc mua ô tô điện, xe máy điện mới hàng năm đến năm 2030.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về đề xuất chính sách khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, với ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ các loại sử dụng xăng dầu sang loại chạy bằng điện và nhiên liệu xanh đang trở thành giải pháp bắt buộc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về đề xuất chính sách khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về đề xuất chính sách khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh.

Vì vậy, đã đến lúc các bộ, ngành cần đề xuất một chính sách tổng thể, với lộ trình cụ thể, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi của người dân, doanh nghiệp. Việc này nhằm hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu, thay vào đó là việc chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông xanh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư vào phương tiện giao thông công cộng xanh, cũng như bố trí các điểm, tuyến giao thông công cộng thuận tiện. Ngoài ra, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để xác định và thực hiện các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại các khu vực có mức độ ô nhiễm cao.

Để thúc đẩy quá trình này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cần xây dựng và thực hiện nhanh hơn các quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải đối với phương tiện giao thông, đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân và công cộng sang sử dụng điện hoặc nhiên liệu xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần hoàn thiện và sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về khí thải đối với phương tiện giao thông đang lưu hành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng xem xét sử dụng các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi sử dụng phương tiện giao thông. Cụ thể, họ đề xuất chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu sang phương tiện giao thông xanh, đồng thời khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng xanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng ưu tiên cho đấu thầu, mua sắm công đối với phương tiện giao thông xanh. Bộ Công Thương đang rà soát lộ trình về chuyển đổi nhiên liệu, đề xuất chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu xanh, sạch, đồng thời nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giá bán điện lúc cao điểm và thấp điểm đối với các trạm sạc.

Nhiều địa phương và doanh nghiệp gặp khó khăn khi xây dựng phương án chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh.

Nhiều địa phương và doanh nghiệp gặp khó khăn khi xây dựng phương án chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến kiểm soát khí thải của phương tiện sử dụng xăng dầu; đồng thời khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông điện và nhiên liệu xanh, đồng thời đầu tư hạ tầng dành cho các phương tiện giao thông xanh. Bộ GTVT xác định rằng phương tiện giao thông sử dụng điện là phương án tối ưu để thay thế cho các phương tiện sử dụng xăng, dầu.

Đáng chú ý, các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng từ sử dụng xăng dầu sang sử dụng điện và nhiên liệu xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xe buýt đang gặp phải vấn đề lớn về chi phí đầu tư, khó tiếp cận nguồn tài chính xanh, cũng như chưa có quy định liên quan đến cho thuê tài chính đối với phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, giá thành điện cung cấp cho các trạm sạc cũng chưa được xem là hợp lý. Bộ GTVT đang hỗ trợ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong việc xác định vùng phát thải thấp, với quy định phương tiện không phát thải hoặc có mức phát thải thấp được phép lưu hành.

Việc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ như trên sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, qua đó giúp giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.

TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Trao đổi với PetroTimes về các giải pháp chuyển đổi xanh trong vận tải và đô thị, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch trở nên hết sức cấp thiết. Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane trong ngành giao thông vận tải là một bước đi đáng ghi nhận.

Tại Hà Nội và một số thành phố lớn trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, cần có các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để cải thiện chất lượng không khí. Một trong những giải pháp khả thi là tăng thuế đối với xe chạy bằng xăng dầu và trợ cấp cho việc mua ô tô điện, xe máy điện mới hàng năm đến năm 2030. Điều này sẽ không chỉ giúp giảm ô nhiễm không khí mà còn thúc đẩy chuyển đổi xanh trong giao thông, tạo nền tảng cho một thành phố sạch hơn và bền vững hơn trong tương lai. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí đăng ký, lệ phí trước bạ để khuyến khích người dân sở hữu và sử dụng các loại xe điện, hybrid. Đồng thời, phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng điện, như xe buýt, tàu điện... cũng cần được ưu tiên.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy phát triển phương tiện sử dụng điện và năng lượng sạch, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này là rất quan trọng.

Theo TS. Dư Văn Toán, Việt Nam có thể tham khảo những bài học từ Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ xe điện. Trong 8 tháng đầu năm 2024, ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc đã chiếm tới 62% thị phần toàn cầu, trong khi xe hybrid sạc điện (PHEV) của Trung Quốc chiếm 77% thị phần thế giới. Điều này cho thấy Trung Quốc đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, từ việc xây dựng hạ tầng trạm sạc, pin và các công nghệ liên quan. Kinh nghiệm của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn các chính sách thúc đẩy phát triển phương tiện sử dụng điện và năng lượng sạch.

Ngoài ra, trong khoảng 10 năm qua, các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để cải thiện chất lượng không khí, trong đó một trong những chiến lược quan trọng là tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị, xe buýt điện, xe buýt sử dụng hydrogen và taxi điện. Việt Nam có thể học hỏi các mô hình này nhằm giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy phát triển giao thông xanh, sạch.

Trong bối cảnh hiện nay, việc học tập và áp dụng những kinh nghiệm quý báu từ Trung Quốc là rất cần thiết, giúp Việt Nam nhanh chóng đạt được những mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực giao thông và năng lượng sạch.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/chuyen-doi-phuong-tien-giao-thong-xanh-can-giai-phap-manh-me-722755.html