Chuyển đổi sản xuất xanh tạo lợi thế phát triển lâu dài cho doanh nghiệp

Chuyển đổi từ sản xuất tuyến tính sang sản xuất tuần hoàn và xanh hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng đang là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm bước lên phân khúc giá trị mới và phát triển bền vững hơn.

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách CIIS phát biểu tại hội thảo.

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách CIIS phát biểu tại hội thảo.

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Xu hướng tiêu dùng xanh, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức, ngày 15/6.

Xu hướng tất yếu

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách CIIS cho biết: Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do các thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu qui định.

Trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không thể tách rời nhau và phải cân bằng.

Theo ông Huỳnh Minh Vũ, hiện nay, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương mại xanh…đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu.

Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng xanh của thương mại quốc tế khi Việt Nam đang tham gia và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) với các cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao liên quan phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ: Xu hướng tiêu dùng xanh không phải là một xu hướng mới nhưng nó đã trở nên phổ biến hơn khi nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, được thể hiện thông qua các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26, COP27)…Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi các FTA thế hệ mới, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn các cam kết về môi trường trong các FTA để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu, tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan trong các FTA.

Các chuyên gia trao đổi về xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh tại hội thảo.

Các chuyên gia trao đổi về xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh tại hội thảo.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP Hồ Chí Minh cho biết: Quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, doanh nghiệp là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Luật bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Luật Bảo vệ môi trường mới cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải cách các thủ tục hành chính về môi trường trong quản lý các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đặc biệt là việc đưa ra công cụ quản lý thống nhất là Giấy phép môi trường. Đây là công cụ quản lý môi trường đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Thay đổi tư duy

Mặc dù kinh tế xanh, tiêu dùng xanh được đề cập rất nhiều nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp thật sự bắt tay vào chuyển đổi sản xuất xanh chưa nhiều. Theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất chính là tư duy và nhận thức của chính doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Nghị, chuyên gia xúc tiến xuất khẩu CBI (Trung tâm hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển -Hà Lan) cho rằng: Chuyển đổi sản xuất xanh tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp và mang lại nhiều cơ hội như tránh được lộ trình thuế carbon, thu hút thêm khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh… đặc biệt là tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp nhận thức đúng về tầm quan trọng cũng như lợi ích mà chuyển đổi sản xuất xanh mang lại. Vẫn còn lãnh đạo doanh nghiệp tư duy chuyển đổi là khó khăn là tốn kém; bên cạnh đó họ cũng thiếu kiến thức, thông tin và cách vận hành giai đoạn chuyển đổi, hiệu quả sau chuyển đổi…Trong đó, thách thức lớn nhất cản trở doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư. Vì vậy, ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi tín dụng, kích cầu đầu tư, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh.

Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, để chuyển đổi sản xuất thì tư duy quan trọng nhất, tiếp đến là chiến lược phát triển. Tư duy của doanh nghiệp không chỉ ở lãnh đạo mà cần được quán triệt một cách đồng bộ đến từng bộ phận, từng nhân viên trong nhà máy. Tư duy của doanh nghiệp cũng thể hiện qua cách nhìn nhận về chi phí chuyển đổi. Nhiều doanh nghiệp nhận thức đúng về lợi ích sản xuất xanh nhưng chưa có kinh phí chuyển đổi, nhưng cũng có những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính nhưng chưa quyết tâm để chuyển đổi vì ngại tốn kém. Doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa hơn, khi sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững thì cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm được nâng lên một phân khúc giá trị, không chỉ được bán với giá cao hơn mà còn được nhận diện tốt hơn.

“Trong ngắn hạn thì việc chuyển đổi sản xuất là thách thức do phải tốn thời gian, chi phí để đáp ứng các tiêu chuẩn nhưng một khi thực hiện thành công chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ có được lợi thế đáng kể khi tiếp cận các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…Trong một xu hướng, doanh nghiệp nào mạnh dạn, tiên phong sẽ có được lợi thế đi trước, sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế về cạnh tranh và dễ dàng chiếm lĩnh thị trường hơn. Về lâu dài, sản xuất xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí năng lượng, nguyên liệu, giảm phát thải ra môi trường, đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững.”, ông Nguyễn Anh Dương nêu góc nhìn.

Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết: Sản xuất xanh, tuần hoàn không đơn thuần là xu hướng mà đó là yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Không đơn thuần mà các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực EU thường xuyên nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường trong các sản phẩm tiêu dùng, bởi trong một thời gian dài việc tổ chức kinh tế tuyến tính và tiêu dùng nhanh đã thải ra môi trường một lượng chất thải khổng lồ, không được tái chế và xử lý. Có thể thấy rõ nhất là rác thải nhựa với khối lượng lớn bị trộn lẫn vào các loại chất thải khác hoặc trôi ra đại dương.

Để khắc phục phần nào tình trạng rác thải nhựa tràn lan, đồng thời khai thác nguồn nguyên liệu này cho hoạt động sản xuất, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã ứng dụng công nghệ mới, tái chế các chai nhựa được thu gom thành hạt nhựa và chai nhựa mới theo tiêu chuẩn đựng thực phẩm. Bên cạnh đó, nhà máy tái chế còn được vận hành với tiêu chuẩn 3 không (không chất thải, không khí thải và không nước thải gây ô nhiễm môi trường). Nhờ đó, các sản phẩm tái chế của Duy Tân đã được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và tham gia chuỗi cung ứng cho các nhãn hàng, thương hiệu trong ngành thực phẩm, đồ uống lớn trên toàn cầu.

Bài, ảnh: Xuân Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-doi-san-xuat-xanh-tao-loi-the-phat-trien-lau-dai-cho-doanh-nghiep-20230615165055628.htm