Chuyển đổi số bắt đầu từ kho bạc số
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ theo chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước số giai đoạn 2021 - 2030 đang được Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện, tạo nên những chuyển biến trong cải cách hành chính.
100% giao dịch thực hiện trực tuyến
Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua kho bạc được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). Liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Trong tiến trình này, Kho bạc Nhà nước đặt ra các mục tiêu trở thành kho bạc số vào năm 2030. Theo đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh tăng tốc thực hiện chiến lược kho bạc số và đến nay cơ bản đạt được hiệu quả đáng kể trong cải cách hành chính thông qua chuyển đổi sang hình thức kho bạc số. KBNN phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu "3 không" là “không tiền mặt”, “không khách hàng giao dịch trực tiếp” và “không chứng từ giấy”.
Với việc nỗ lực cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước đã mang lại rất nhiều thuận lợi cho khách hàng giao dịch và các đơn vị sử dụng ngân sách. Từ đây góp phần quan trọng nâng cao hiệu suất và sự minh bạch trong quản lý tài chính công. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cung cấp thành công 11 thủ tục mức độ 4 lên dịch vụ công trực tuyến, đạt 100% theo kế hoạch đề ra, và đã đạt được mục tiêu 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến.
Ông Huỳnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 1.439 đơn vị sử dụng ngân sách, trong đó có 1.341 đơn vị sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Riêng khối an ninh - quốc phòng chưa áp dụng do phải đảm bảo các điều kiện bảo mật và một số đơn vị không có quan hệ giao dịch thường xuyên. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường cải cách hành chính, đẩy nhanh công tác thanh toán và giải ngân vốn.
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày trên hệ thống kho bạc số có khoảng 2.250 giao dịch được phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến, ngày cao điểm lên đến 4.500 giao dịch. Trước đây, quy trình giao dịch tài chính công thường gặp nhiều khó khăn và rủi ro, như việc di chuyển, thủ tục giấy tờ phức tạp, và nguy cơ mất mát thông tin. Tuy nhiên, với sự chuyển đổi sang hình thức kho bạc số, tất cả các quy trình này đã được đơn giản hóa và tối ưu hóa. Điều này không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho đơn vị sử dụng ngân sách mà còn cho phép họ tiến hành giao dịch với Kho bạc Nhà nước mọi lúc, mọi nơi, 24/7.
Không tiền mặt
Cùng với các giao dịch điện tử, hoạt động thu, chi ngân sách cũng hoàn toàn giao dịch không tiền mặt theo đúng lộ trình đề ra.
Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế đã phối hợp thu ngân sách nhà nước với 14 ngân hàng thương mại, với tổng cộng 84 điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh. Điều này đã góp phần tăng cường cải cách hành chính và thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt. Đặc biệt, hỗ trợ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Theo Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Huỳnh Văn Mạnh, trên cơ sở bám sát mục tiêu đã đặt ra trong chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, thời gian tới, dự báo công tác thu, chi ngân sách nhà nước sẽ tăng lên, kéo theo cả số lượng chứng từ phải giải quyết cũng nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các thủ tục mà Kho bạc Nhà nước cần thực hiện cũng phải nhanh hơn, kịp thời hơn. Theo đó, ngoài việc số hóa các nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức công vụ cho toàn thể công chức, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước cũng cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong tỉnh và các ngân hàng thương mại để nâng cao chất lượng phục vụ. Hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử và tiến tới kho bạc số. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần có sự đầu tư và cam kết từ phía chính quyền địa phương cũng như sự nhập cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp trong xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ và bảo mật; đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và người dùng để họ có thể sử dụng các công nghệ mới một cách hiệu quả.