Chuyển đổi số: Cần thay đổi tư duy, nền tảng pháp luật để 'cởi trói' cho DN
Chia sẻ tại Tọa đàm chính sách: 'Tầm nhìn cho Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số', do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa tổ chức, hầu hết các chuyên gia có chung nhận định để Việt Nam bước vào kỷ nguyên số cần có 2 yếu tố là thay đổi tư duy và nền tảng pháp luật.
Các chuyên gia nhận định tiềm năng thị trường chuyển đổi số của Việt Nam rất lớn.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 ở cả ba mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD.
Dự báo của Tổ chức Cameron (Mỹ), nếu kịch bản tốt nhất xảy ra, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, GDP có thể tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới, tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm.
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang nền tảng kinh tế số, bởi các nền tảng số đến Việt Nam không hề muộn, nhưng sự đón nhận của chính sách còn chậm, khiến Việt Nam chưa nắm bắt được cơ hội này.
Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế số, Việt Nam vẫn chưa thể khai thác hiệu quả do còn thiếu luật pháp bảo vệ những người sáng tạo trong tương lai.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) nhấn mạnh: Kinh tế nền tảng thực ra là một sân chơi cho các thực thể hoạt động. Lịch sử của kinh tế thế giới đã trải qua nhiều sân chơi mà mỗi sân chơi lại mang một lõi công nghệ riêng.
Sân chơi hiện nay ngày càng được nhìn thấy rõ hơn là sân chơi của kinh tế kỹ thuật số với hai yếu tố lõi là Internet và dữ liệu, trong đó dữ liệu phải được tập hợp, phân tích để đưa ra quyết sách kinh doanh, tạo ra các hành vi kinh tế.
“Chúng ta sử dụng các công nghệ mới giúp các nguồn lực vật lý được tận dụng hiệu quả hơn, thậm chí hơn rất nhiều nền kinh tế công nghiệp do sự lan tỏa thông tin không gặp trở ngại về biên giới cứng. Lợi ích của kinh tế số là khiến chi phí giao dịch của rất nhiều ngành tiến dần về 0”, ông Sỹ Thành phân tích.
Đánh giá về lợi thế trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Venture Management Consulting Group, nhà đồng sáng lập Strategy Academy cho rằng Việt Nam bước vào kỷ nguyên số như lượng dân số trẻ, được tiếp cận và kết nối trên mạng Internet sớm; sự quyết liệt của Chính phủ, của các đơn vị thể hiện qua các sự kiện, hội thảo cho thấy sự thay đổi về nhận thức. Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tư duy chuyển đổi số từ trên xuống dưới và có thể sử dụng ngay những thứ có sẵn, không cần thiết phải lập tức tạo ra những công nghệ mới.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp thành viên như Apple hay Google, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về phần viết ứng dụng bán trên các cửa hàng ứng dụng thuộc nền tảng Android hay IOS. Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá cao trong khu vực xét về khía cạnh nguồn nhân lực thuộc thị trường nào có thể tải nhiều ứng dụng lên nền tảng và có nhiều giao dịch nhất.
Hiện Việt Nam còn là điểm sáng tại Đông Nam Á khi độ tiếp cận công nghệ, thích ứng với công nghệ của người dân ở mức cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của các nền tảng như Facebook, Google tại khu vực.
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu các giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) đề xuất: “Mấu chốt của quá trình dịch chuyển sang kỷ nguyên số là các quyền như tự do kinh doanh, tài sản hay mới nhất là tài sản dữ liệu, hợp đồng giao dịch được xã hội bảo vệ. Nếu quá trình bảo vệ được diễn ra nghiêm túc và nghiêm khắc, những cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội sẽ tự thích nghi, chớp được cơ hội nhờ việc được thử nghiệm”.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khuyến nghị làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân tự do kinh doanh, tự do sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế số mới là quan trọng. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có đầy đủ nền tảng pháp luật, mọi người sẽ chớp cơ hội và phát triển.