Chuyển đổi số chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Ngành Y tế An Giang đã tích cực ứng dụng hiệu quả những thành tựu khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới một hệ thống y tế thông minh, hiện đại và công bằng.
Theo BS.CKII Đoàn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, năm 2024, Sở Y tế đã công nhận 329 đề tài và 175 sáng kiến, giải pháp cấp cơ sở được áp dụng có hiệu quả. Các đề tài nghiên cứu đa dạng về lĩnh vực, từ y học lâm sàng, y tế dự phòng, dược học, quản lý y tế, bám sát những vấn đề thời sự, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nhiều nghiên cứu đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, phương pháp tiếp cận hiện đại, mang lại giá trị thực tiễn cao, có khả năng nhân rộng và cải thiện trực tiếp chất lượng dịch vụ y tế.
Điển hình như “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học của dịch sốt xuất huyết Dengue và một số yếu tố liên quan đến thực hành phòng chống tại An Giang giai đoạn 2022 - 2024”, do BSCKII. Phạm Quang Quốc Uy làm chủ nhiệm. Kết quả cho thấy xu hướng dịch bệnh giảm mạnh qua các năm. Nghiên cứu cũng chỉ ra các tháng mùa mưa là cao điểm của dịch, nhóm tuổi dưới 15 chiếm tỷ lệ mắc cao (59%) và type virus DEN-2 chiếm đa số (51,3%). Một phát hiện quan trọng khác là đa số người bệnh (92%) tiếp cận dịch vụ y tế trong 4 ngày đầu khởi phát bệnh, cho thấy sự cải thiện trong nhận thức của người dân. Những kết quả này là cơ sở khoa học vững chắc để ngành y tế và các cấp chính quyền đưa ra giải pháp can thiệp phù hợp, điều chỉnh chiến lược truyền thông, kiểm soát bền vững bệnh.

Ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH GlobeDr Việt Nam với Sở Y tế An Giang thực hiện chuyển đổi số y tế
Viêm phổi - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ nhỏ. Việc chẩn đoán sớm và chính xác đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị. “Nghiên cứu giá trị của siêu âm trong chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em ≤ 5 tuổi tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang”, do BS. Lê Thị Tuyết Ngân cùng cộng sự thực hiện, đã đánh giá giá trị của siêu âm phổi - một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, an toàn, chi phí thấp và có thể thực hiện tại giường. Kết quả nghiên cứu khẳng định, siêu âm phổi có độ nhạy (95,3%) và độ đặc hiệu cao (84,6%) trong chẩn đoán viêm phổi ở nhóm đối tượng này, tương đương và trong một số trường hợp còn ưu việt hơn so X-quang ngực truyền thống. Kết quả này mở ra hướng ứng dụng rộng rãi siêu âm trong thực hành lâm sàng tại các tuyến y tế, đặc biệt tại nơi hạn chế về trang thiết bị X-quang hoặc cần hạn chế phơi nhiễm tia X cho trẻ.
Sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm sau sinh ở phụ nữ, là vấn đề y tế ngày càng được quan tâm. “Nghiên cứu nguy cơ trầm cảm sau sinh và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ có con dưới 6 tháng tuổi tại An Giang năm 2023 - 2024” do ThS.BS. Trần Võ Huỳnh Nghĩa Nhân cùng cộng sự Sở Y tế thực hiện và nghiệm thu trong năm 2025. Nghiên cứu có quy mô và ý nghĩa quan trọng đầu tiên tại An Giang về lĩnh vực sức khỏe tâm thần ở phụ nữ sau sinh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ phụ nữ có nguy cơ trầm cảm sau sinh trong vòng 6 tháng sau sinh là 8,5%; tập trung nhóm phụ nữ độ tuổi 25 - 35, trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp lao động chân tay và sinh sống khu vực thành thị. Các yếu tố liên quan đến nguy cơ trầm cảm sau sinh là: Tình trạng hôn nhân (ly dị/ly thân/góa), tiền sử bà mẹ có điều trị bệnh tâm lý/trầm cảm, giới tính của trẻ không như mong đợi… Những phát hiện này cung cấp bằng chứng khoa học giá trị xây dựng chương trình sàng lọc sớm, can thiệp tâm lý và hỗ trợ xã hội phù hợp, cải thiện sức khỏe tâm thần cho phụ nữ sau sinh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt triển khai, triển khai bệnh án điện tử trong ngành y tế. Hiện, đang triển khai đề án chuyển đổi số và bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Sở Y tế đã triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, kết quả xét nghiệm, giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại tích hợp trên VNeID. 188/188 cơ sở KCB bảo hiểm y tế (BHYT) được cấp mã liên thông dữ liệu KCB; đã cấu hình hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) thực hiện liên thông dữ liệu, đáp ứng 100% dữ liệu phát sinh được liên thông từ Cổng tiếp nhận dữ liệu KCB BHYT lên Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Thí điểm 7/7 bệnh viện tuyến tỉnh gửi dữ liệu điện tử hồ sơ chi tiết đề nghị thanh toán BHYT (file XML) qua công cụ GmedAgent về kho An Giang (GTEL xây dựng). Và để đảm bảo liên thông 100% giấy chuyển tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở KCB thực hiện gửi dữ liệu KCB đến Hệ thống Gmedical bằng công cụ GmedAgent.
An Giang có 188/188 cơ sở KCB BHYT thực hiện sử dụng căn cước công dân có gắn chíp trong KCB BHYT, với lũy kế tổng số lượt tra cứu thành công 4.533.048/5.374.588. Số lượng định danh cá nhân/căn cước công dân được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để KCB bằng căn cước công dân là 1.630.165. Hiện, 100% cơ sở KCB hoàn tất việc liên thông dữ liệu. Tỷ lệ tích hợp "Sổ sức khỏe điện tử" theo dân số thường trú đạt trên 21,97%...
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chuyen-doi-so-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-a421218.html