Chuyển đổi số 'chắp cánh' cho sản phẩm OCOP Bắc Giang đến thị trường trong và ngoài nước
Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của Bắc Giang đang được ứng dụng triệt để số hóa trong kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Bắc Giang đã gặt hái được những thành công nhất định. Đặc biệt, thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiệu quả từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online được nhìn thấy rõ nhất từ vụ vải thiều. Theo đó, đã có trên 10.500 tấn vải được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn thương mại điện tử, đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh trong 2 năm dịch bệnh Covid-19.
Điều này khẳng định việc đi đúng hướng của tỉnh trong việc đa dạng hình thức tiêu thụ sản phẩm bên cạnh các hình thức tiêu thụ truyền thống.
Từ sự thành công của vải thiều, trong hai ngày 22-23/6 năm nay, Đoàn công tác của Trung ương Đoàn đã có chuyến trải nghiệm thực tế tại Chùa Bổ Đà, Chùa Vĩnh Nghiêm, Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử, thủ phủ Vải Thiều Lục Ngạn (loại quả đặc trưng, nổi tiếng vùng đất Bắc Giang) và một số sản phẩm OCOP. Qua đó, đoàn đã có nhiều hoạt động để giới thiệu các điểm đến du lịch, danh lam, thắng cảnh địa phương, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang thông qua những cách thức truyền thông hiện đại và sáng tạo.
Bắc Giang cũng đang phối hợp với TikTok Việt Nam thực hiện một số hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh tới bạn bè trong nước và nước ngoài qua chiến dịch “Bắc Giang đa sắc”. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể xây dựng kênh bán các sản phẩm OCOP của Bắc Giang trên TikTokshop. Trong đó, việc tổ chức livestream bán các đặc sản: Mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn đã được khởi động và bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Đến nay, tỉnh đã có trên 113.670 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nhiều mặt hàng nông sản và 180 sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn... để đưa sản phẩm nông sản Bắc Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang, theo các nhà kinh tế, cần thiết phải có nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành chương trình, nhất là khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng.
Trên cơ sở đó, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, tin tưởng nhiều hơn về chất lượng các sản phẩm OCOP của Bắc Giang đang được phân phối trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm OCOP từ các ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh.
Hiện tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang; trong đó hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia 2 Sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bắc Giang cũng hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn...); xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang Thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử…, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.