Chuyển đổi số - 'Chìa khóa' nâng tầm nông sản địa phương
Sơn La là vùng đất nổi tiếng với những mùa hoa trái quanh năm. Tuy nhiên, bài toán đầu ra cho nông sản vẫn luôn là nỗi trăn trở của bà con nông dân. Giờ đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đang dần trở thành lời giải, giúp nông sản Sơn La vươn xa.

Chuyển đổi số góp phần đưa nông sản Sơn La đi xa hơn. Ảnh: Phan Trang
Sơn La từ lâu đã được mệnh danh là "vựa nông sản" của vùng Tây Bắc, với vô vàn đặc sản nổi tiếng như xoài Yên Châu, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, mận hậu, bơ Mộc Châu... Địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nhiều loại cây trồng, mang đến cho Sơn La bốn mùa hoa trái.
Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là đầu ra của các mặt hàng nông sản vẫn còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái và nhu cầu thị trường. Bà Lò Thị Bun (xã Vân Hồ, Sơn La) chia sẻ: "Nông sản hiện tại chủ yếu được thương lái thu mua nên giá cả không ổn định. Năm nào được mùa, nông sản nhiều thì thương lái tìm cách ép, hạ giá sản phẩm nên mất mùa hay được mùa bà con đều có nỗi khổ riêng".
Bước chuyển mình nhờ công nghệ số
Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều nông dân Sơn La đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, chủ động ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên toàn tỉnh.
Điển hình là câu chuyện của chị Xa Thị Thắm (27 tuổi, dân tộc Mông, xã Vân Hồ). Với hơn 3ha trồng cây ăn quả và rau sạch, vợ chồng chị Thắm từng phải vất vả dậy sớm chở rau ra chợ giao cho tiểu thương, chấp nhận bị ép giá và không phải lúc nào cũng bán hết hàng. "Rau của mình tuy tươi ngon nhưng giá cả lại bị ép và không phải lúc nào cũng bán hết", chị Thắm kể.

Sơn La từ lâu đã được mệnh danh là "vựa nông sản" của vùng Tây Bắc. Ảnh: Minh Thu
Năm 2023, nhận thấy xu hướng bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội, vợ chồng chị Thắm đã mạnh dạn học hỏi và làm theo. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, chị Thắm chụp ảnh nông sản tươi ngon, đăng tải lên các nhóm bán hàng online, các khu du lịch và trang dịch vụ ăn uống để giới thiệu sản phẩm.
"Giờ tôi không còn phải vất vả chở rau ra chợ nữa. Sáng ra, chỉ cần thu hoạch, đóng gói theo đơn đặt hàng, rồi đợi bên vận chuyển đến lấy", chị Thắm phấn khởi chia sẻ. "Trước đây, hàng chỉ bán được cho mấy người quen ở chợ gần nhà. Giờ thì khách ở tận thành phố, nhiều người còn đặt hàng định kỳ nữa. Mình tự bán, tự định giá dựa trên chất lượng sản phẩm nên không bị thương lái ép giá nữa".
Đồng hành cùng nông dân chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân. Để thúc đẩy quá trình này, các cấp, các ngành trong tỉnh Sơn La đã và đang tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho bà con.
Nhiều lớp tập huấn đã được tổ chức nhằm trang bị kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và đặc biệt là kỹ năng bán hàng qua mạng. Sở Công Thương, các cấp Hội Nông dân đã tích cực triển khai các hoạt động này.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

Chính quyền tỉnh Sơn La tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho người dân.
Đáng chú ý, Sơn La đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng Sàn Thương mại điện tử Sơn La (www.sonla.sanviet.vn), tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn).
Hiện tại, sàn đã có 40 doanh nghiệp, HTX và 60 sản phẩm được lựa chọn và đưa lên sàn. Trang thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Sơn La (https://agritradepage.vn) cũng được duy trì hoạt động với 3 ngôn ngữ: Việt - Anh - Trung.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương Sơn La đã tổ chức 11 lớp tập huấn về thương mại điện tử, kỹ năng livestream, xây dựng video nội dung số cho hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ 40 doanh nghiệp, HTX với 60 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử Sơn La.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 27 tài khoản trên sàn nongsan.buudien.vn với 197 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Dữ liệu nông nghiệp cũng được số hóa với 205 mã vùng trồng, 11 mã cơ sở đóng gói, 195 nhật ký điện tử trên Farmdiary.online và 11 tài khoản trên hệ thống ngành trồng trọt, góp phần nâng cao truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm.

Hướng dẫn livestream bán hàng cho các hộ dân ở Sơn La.
Với sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng và tinh thần mạnh dạn, quyết đoán của người dân, nhiều nông dân Sơn La đã ứng dụng công nghệ số vào mọi khía cạnh của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc chủ động xây dựng các kênh bán hàng điện tử, kết nối với doanh nghiệp để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến (website, email, fanpage...) cũng được đẩy mạnh.
Nhờ những nỗ lực này, tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi, tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử và ứng dụng nông nghiệp thông minh, cũng như tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử ngày càng tăng cao.
Nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng cũng ngày càng phổ biến, tạo đà mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La.