Chuyển đổi số - chìa khóa quan trọng để ngành Hải quan đạt 'mục tiêu kép'

Riêng với ngành Hải quan, hơn lúc nào hết, chuyển đổi số càng có ý nghĩa quan trọng để giải quyết 'mục tiêu kép' - vừa bảo đảm thu ngân sách vừa chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Tọa đàm “Tăng cường bảo đảm thu ngân sách và chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, sáng 6.7. Theo các đại biểu, nội dung tọa đàm rất thiết thực, hữu ích, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

“Chuyển đổi số là nhu cầu tự thân”

Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Hải quan là ngành ứng dụng công nghệ thông tin “tương đối sớm”. Ngay từ năm 1994 - 1995, ngành đã sử dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, thống kê số liệu để phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

Đặc biệt, từ năm 2014, bên cạnh việc ban hành Luật Hải quan mới, Việt Nam chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong khuôn khổ Hiệp định giữa các nước thành viên ASEAN (chính thức kết nối cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2018), đồng thời thay thế toàn bộ thủ tục thông thường bằng thủ tục hải quan điện tử thông qua việc ứng dụng hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Hiện, phương thức quản lý của cơ quan Hải quan đã chuyển đổi một cách toàn diện từ thủ công sang sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử; ứng dụng một cách toàn diện và rộng rãi phương thức đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp dựa trên các kỹ thuật quản lý rủi ro và hệ thống phân tích thông tin nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường kiểm soát cho cơ quan Hải quan.

Chính sự “chuyển mình” đó của ngành đã góp phần quan trọng thúc đẩy xuất nhập khẩu. Minh chứng là, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục xác lập những con số kỷ lục kể từ năm 2017 với 400 tỷ USD, hiện đã vượt mốc 700 tỷ USD vào năm 2022, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Riêng với lĩnh vực Hải quan, nếu như trước năm 2014, số lượng các tờ khai xuất nhập khẩu là dưới 10 triệu tờ khai/năm thì giai đoạn sau đó liên tục tăng trưởng, trung bình mỗi năm xử lý trên 13 triệu tờ khai…

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành Hải quan. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh chỉ rõ, mặc dù Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm tới ngành Hải quan khi nhiều lần quyết định điều chuyển kinh phí từ Tổng cục Thuế sang để đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, công nghệ thông tin, song đầu tư này vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống văn bản pháp luật về thuế xuất nhập khẩu ngành hải quan rất đồ sộ. Chẳng hạn, danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo thông tư của Bộ Tài chính lên tới gần 2.000 trang; có tới 31 biểu thuế liên quan xuất nhập khẩu… gây nhiều khó khăn cho cán bộ thực thi. Do vậy, “nếu không ứng dụng công nghệ thông tin sẽ cực khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của ngành hải quan”, Ủy viên thường trực Vũ Tuấn Anh nói.

Cũng theo Ủy viên thường trực Vũ Tuấn Anh, theo dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua, năm 2023 ngành Hải quan được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 425.000 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng thu ngân sách nhà nước cả năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, việc tiếp tục chống gian lận, buôn lậu thương mại để tăng thu ngân sách là rất quan trọng, đặt áp lực rất lớn cho ngành Hải quan.

Thêm vào đó, hiện tập quán thương mại quốc tế đã có nhiều thay đổi. Đơn cử, việc giao kết hợp đồng có thể thực hiện trên môi trường điện tử đòi hỏi phải thay đổi phương thức quản lý, không thể quản lý thủ công mà buộc phải quản lý trên môi trường số theo phương thức số. “Kinh tế hiện nay độ mở càng ngày càng lớn nên chúng ta không thể chơi một mình mà phải chấp nhận luật chơi theo tập quán, thông lệ và pháp luật quốc tế. Do đó, việc chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ 4.0 của ngành hải quan, bản chất không còn là mục tiêu mà là nhu cầu tự thân để giải quyết những vấn đề thách thức như vậy”, ông Phạm Duyên Phương phát biểu.

Cần quan tâm, đánh giá giải pháp Publican

Theo các đại biểu, để giải quyết “thách thức kép” vừa phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách, cùng với việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách có liên quan, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuẩn bị sẵn sàng chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ và tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan cũng như hợp tác quốc tế. Đặc biệt, việc tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi số trong quản lý và hiện đại hóa ngành Hải quan có vai trò rất quan trọng.

Hiện, thế giới đang ứng dụng nhiều công nghệ để hỗ trợ ngành Hải quan bảo đảm công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế. Ông Lương Hữu Hạnh, Chủ tịch Công ty Ultra-Thabis dẫn chứng, tại Nhật Bản đang triển khai “Sáng kiến Hải quan thông minh”, trong đó đẩy mạnh sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ nhân viên hải quan, đưa AI vào hoạt động soi chiếu để tự động hóa đánh giá rủi ro các mặt hàng được soi chiếu, tự động hóa nhiều quy trình bằng robot.

Ở bình diện rộng hơn, trong quá trình hỗ trợ các thành viên, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) với 185 quốc gia thành viên đặc biệt khuyến khích mô hình hợp tác công - tư để tận dụng sức mạnh của các tổ chức tư nhân trong hoạt động xây dựng và khai thác dữ liệu. Điển hình như trường hợp của Ultra (doanh nghiệp được thành lập tại Israel - một trong những trung tâm đổi mới toàn cầu) với giải pháp Publican, được WCO đánh giá rất cao. Hiện, khu vực WCO Đông và Nam Phi với 24 thành viên đã ký thỏa thuận hợp tác với Ultra nhằm tận dụng sức mạnh của giải pháp này.

Theo đó, cơ chế thu thập dữ liệu của Publican rất rộng, có thể nói đây là cơ chế thu thập hoàn chỉnh nhất hiện nay trong lĩnh vực hải quan, với khả năng tiếp cận những nguồn dữ liệu độc đáo duy nhất. Về số lượng có đến hơn 2 tỷ giao dịch đã phân tích đầy đủ, gần 20 nghìn kịch bản/tình huống gian lận có sẵn, hơn 950 triệu mặt hàng đã phân loại mã HS, hơn 750 triệu hồ sơ công ty thương mại… Về cơ chế Insight, thông qua máy chủ tổng hợp và máy chủ phân tích, cơ chế này tạo dựng hệ sinh thái cho từng lô hàng và dễ dàng đưa ra nhiều chỉ dấu về nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại với độ chính xác trong thực tiễn là 99,7%. “Cơ chế này là vượt trội mà chưa từng có một hệ thống kiểm soát quản lý rủi ro nào trước đây làm được. Việc này sẽ giúp mỗi quốc gia bảo đảm được nguồn thu tốt hơn nhờ tránh thất thu thuế, đồng thời giúp cho đất nước được an ninh và an toàn hơn”, ông Lương Hữu Hạnh chia sẻ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh cho rằng, giải pháp này là “nội dung hay và rất hữu ích”, giúp ngành Hải quan biết được những vấn đề cần quản lý, phát hiện những vấn đề gian lận trong kinh doanh thương mại quốc tế, kê khai trốn thuế. Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, đây là giải pháp “cần được quan tâm”. Tuy nhiên, để có thể áp dụng thực tế, cần qua các bước, biện pháp để sàng lọc, đánh giá trước khi triển khai ở nước ta.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nêu quan điểm, khi sử dụng một ứng dụng, phần mềm, cần quan tâm đến mức độ phổ biến, sự tin cậy và phù hợp. Bên cạnh đó, tính kết nối, tương thích cũng rất quan trọng. Nếu một hệ thống giải pháp đã phổ biến, được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, có tính kết nối, tính hệ thống thì “đôi khi chúng ta làm một hệ thống cho riêng Việt Nam chưa hẳn đã là giải pháp tốt”. Điều này hàm ý, việc tham khảo, lựa chọn giải pháp đã được các nước sử dụng là cần thiết để góp phần giúp ngành Hải quan Việt Nam hóa giải các thách thức hiện nay.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chuyen-doi-so-chia-khoa-quan-trong-de-nganh-hai-quan-dat-muc-tieu-kep-i335267/