Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh: Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, chuyển đổi số - chuyển đổi xanh không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, mà còn giúp nền kinh tế Việt Nam 'hóa rồng', trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Cơ hội

Báo cáo của EconomySEA tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 cho thấy, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%).

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, kinh tế số đóng góp 16,5% vào GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%; kinh tế xanh đóng góp khoảng 2% GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, muốn phát triển nhanh, thì chuyển đổi số; muốn bền vững, thì chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số, mà cốt lõi chính là chip bán dẫn. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng, thế giới đang sống trong thời kỳ đặc biệt, khi tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ và đã xuất hiện điểm kỳ dị trong đường cong phát triển của nhân loại, nhất là với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). “Tận dụng được cơ hội này, thì Việt Nam mới có thể hóa rồng, trở thành nước phát triển có thu nhập cao và không còn cách nào khác là phải đi ở nhóm đầu về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cũng khẳng định, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững. Đây vừa là động lực, cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn.

Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép cả về kinh tế số và kinh tế xanh, theo ông Bình, Việt Nam cần tiên phong phát triển các lĩnh vực AI, chip bán dẫn, xe điện thông minh... và tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

Khẳng định, chuyển đổi số chính là động lực, là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế, quản trị hiện đại, khoa học - công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số. Công nghệ số sẽ giúp tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải carbon, thúc đẩy các công nghệ sạch...

Động lực phát triển cho doanh nghiệp

Dưới góc độ doanh nghiệp, chuyển đổi số - chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng, mà còn giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Gần đây, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh còn đi theo một chuyển đổi vô cùng quan trọng là chuyển đổi AI. Với sự ra đời của các công nghệ siêu máy tính AI, chuyển đổi này đã tạo ra những nguồn lao động mới. Trước, chúng ta có kỹ sư phần mềm, thì nay, chúng ta có kỹ sư về AI. AI đang đi vào khắp mọi lĩnh vực”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Đề cập ứng dụng AI, ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA cho biết, ứng dụng AI giúp nâng cao năng suất lao động vượt trội. AI có thể viết email nhanh hơn 36 lần, thiết kế ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần và lập trình giao diện website nhanh hơn 10 lần so với con người. Đây là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, Viettel đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh trong chuyển đổi số cho chính doanh nghiệp và khách hàng. Ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettet cho biết, Viettel đã đưa ra một số giải pháp về hạ tầng trung tâm dữ liệu, giảm Chỉ số PUE (mức tiêu thụ năng lượng) từ 1,6 về 1,4 với các giải pháp như làm mát hiệu quả, sử dụng thiết bị hiệu năng cao, quản lý năng lượng bằng phần mềm.

Với hạ tầng mạng lưới, trong đó mạng 5G có công suất trạm lớn, Viettel chủ động yêu cầu nhà cung cấp thiết bị 5G áp dụng triệt để tính năng tiết kiệm điện; xây dựng mạng lưới tự vận hành áp dụng thuật toán AI, big data để tối ưu sử dụng tài nguyên mạng lưới…

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của cả thế giới, chứ không riêng của Việt Nam và đây có lẽ là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam hướng tới một tương lai ngày càng tươi sáng.

Theo Phó thủ tướng, cần chú trọng đầu tư hạ tầng số, nhất là khu vực có nhu cầu và sự ảnh hưởng phát triển (các khu trung tâm, khu kinh tế, khu công nghiệp…) và phải có thứ tự ưu tiên, vì không đủ kinh phí để đầu tư tất cả cùng một lúc. Theo đó, phải huy động nguồn lực bên ngoài, ngân sách chỉ nên chiếm tỷ trọng nhỏ và có tính chất “vốn mồi”. Nhà nước và doanh nghiệp cần nỗ lực đào tạo nhân lực chất lượng cao, kêu gọi các doanh nghiệp cùng đào tạo, cùng sử dụng...

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, đặc biệt là các start-up; cố gắng từng bước “đứng trên vai người khổng lồ”, tức là khai thác, tận dụng tốt thành tựu của thế giới, thông qua hợp tác quốc tế, thu hút các dự án FDI…

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-doi-so---chuyen-doi-xanh-dong-luc-thuc-day-tang-truong-d216426.html