Toàn cảnh vụ Asanzo, từ lùm xùm xuất xứ đến lãnh đạo vướng lao lý

Từng là nhà sản xuất thiết bị điện tử chiếm thị phần lớn trong nước, Asanzo vướng loạt lùm xùm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và đến nay là lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý.

Tham gia thị trường điện tử từ cuối năm 2013 với mặt hàng tivi, chỉ trong vòng 6 năm, Asanzo đã trở thành thương hiệu điện tử gia dụng "quốc dân" tại thị trường trong nước với hơn 70 dòng sản phẩm điện tử trải dài từ tivi, điều hòa, tủ lạnh cho đến smartphone.

Thậm chí, ở thị trường tivi, trong giai đoạn 2018-2019, thương hiệu điện tử này còn nắm tới 16% thị phần trong nước, chỉ xếp sau những "gã khổng lồ" công nghệ nước ngoài như LG (17%), Sony (25%) hay Samsung (35%).

Tuy nhiên, giai đoạn hoàng kim của thương hiệu Asanzo không kéo dài lâu. Giữa năm 2019, giai đoạn vẫn đang đặt nhiều tham vọng với các sản phẩm smartphone, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông Phạm Văn Tam vướng vào lùm xùm nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.

Tuyên bố bị oan, thiệt hại cả nghìn tỷ đồng

Cụ thể, đang trong giai đoạn phát triển nhất, Asanzo bị tố nhập khẩu hàng loạt linh kiện điện tử, sản phẩm điện gia dụng thành phẩm như tivi, máy lạnh, lò nướng, nồi cơm điện… từ Trung Quốc về Việt Nam. Trước khi tung ra thị trường, các sản phẩm này được bóc tem Made in China và dán đè nhãn hiệu ghi xuất xứ từ Việt Nam.

Vụ việc khiến thị trường và người tiêu dùng đặt nghi vấn về các sản phẩm điện tử ghi nhãn xuất từ Việt Nam của thương hiệu này. Ngay sau đó, hàng loạt cơ quan chức năng như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như các Bộ, ngành liên quan đã được chỉ đạo tham gia xác minh, làm rõ.

Tại cuộc họp báo sau đó vài ngày, ông Phạm Văn Tam cho biết tivi của Asanzo sử dụng 3 thành phần chính nhập từ Trung Quốc là khung sườn, màn hình và bo mạch. Đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được và chiếm đến 70% giá trị của một chiếc tivi. Phần còn lại như bảng mạch, phần mềm, bộ nguồn đều được Asanzo chủ động thiết kế.

Về nghi vấn xé tem Made in China và dán đè tem xuất xứ Việt Nam, vị lãnh đạo lý giải tem Trung Quốc được dán lên một bộ phận linh kiện chứ không phải dán lên chiếc tivi thành phẩm.

 Lùm xùm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng khiến hoạt động kinh doanh của Asanzo điêu đứng. Ảnh: Asanzo.

Lùm xùm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng khiến hoạt động kinh doanh của Asanzo điêu đứng. Ảnh: Asanzo.

“Quy trình lắp ráp của Asanzo không chủ trương lột tem linh kiện nhập khẩu và việc đó cũng không có ý nghĩa gì vì chúng đều nằm bên trong tivi. Còn con tem Made in Vietnam lại được dán đằng sau một chiếc tivi khi thành phẩm. Tức là Asanzo gom nhiều linh kiện sản xuất tại Việt Nam cũng như nhập từ Trung Quốc để lắp ráp”, ông Phạm Văn Tam chia sẻ và khẳng định hoạt động sản xuất, thiết kế cũng như công bố thông tin của công ty không vi phạm pháp luật.

Tuy vậy, sau lùm xùm này, nhiều nhà bán lẻ điện máy trong nước vẫn quyết định ngừng bán các sản phẩm của Asanzo. Một số hệ thống điện máy lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim thậm chí triển khai chính sách thu hồi, đổi trả sản phẩm của thương hiệu này.

Thời điểm đó, ông Tam tuyên bố Asanzo đã mất khoảng 95% doanh thu và hụt thu vài trăm tỷ đồng mỗi tháng. Ước tính tổng số thiệt hại lên đến gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi ngân hàng đóng băng các khoản vay, công ty vẫn phải trả lương cho công nhân, duy trì sản xuất. Đồng thời, đối mặt tình trạng nhà phân phối trả lại hàng, thương hiệu bị tổn thương, các dự án đầu tư bị ngưng trệ, kế hoạch phát triển công nghệ chuyên sâu bị đình đốn.

Đến ngày 30/8/2019, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra.

Sau 3 tháng vướng vào lùm xùm không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Asanzo tổ chức họp báo được minh oan và thông tin về việc hoạt động trở lại. Tại đây, ông Tam nhấn mạnh kết luận kiểm tra của ngành hải quan cho thấy Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu.

Bị chỉ ra loạt sai phạm về thuế

Tuy nhiên, kết quả điều tra được Tổng cục Hải quan công bố cuối tháng 10/2019 tại cuộc họp cùng các Bộ, ngành về vụ việc Asanzo lại chỉ ra điều ngược lại.

Trong đó, qua xác minh quy trình lắp ráp tivi, máy lạnh, Tổng cục Hải quan cho biết Asanzo có 12 dãy bàn diện tích 45 m2 để lắp ráp tivi. Ngoài ra, nhà máy còn bố trí một phòng kiểm tra bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc.

“Việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính. Dãy bàn này vừa lắp tivi, vừa lắp điều hòa nhiệt độ. Lắp 1 cái tivi cần 12 người và 30 người phụ trợ với thời gian lắp là 25 phút”, báo cáo nêu.

Khi lắp xong, doanh nghiệp đóng tivi vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo hình, in ngôn ngữ tiếng Việt, mã số mã vạch Việt Nam, xuất xứ Việt Nam. Sau đó, sản phẩm được bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa.

 Cơ quan chức năng cho biết Asanzo có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Văn Nguyện.

Cơ quan chức năng cho biết Asanzo có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Văn Nguyện.

Quy trình lắp ráp điều hòa, ấm siêu tốc cũng chủ yếu là lắp ráp các bộ phận có sẵn để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Đối chiếu với video quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền, lắp ráp tivi bằng máy móc, thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sở sản xuất của công ty cho thấy mọi thứ không đúng như quảng cáo

Kết luận của Tổng cục Hải quan

Cơ quan hải quan cho rằng việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1-2%. Căn cứ vào các quy định, không thể cho rằng đây là sản phẩm "Made in Vietnam" mà thực tế là có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.

Về việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo, Tổng cục Hải quan khẳng định điều này không đúng với thực tế.

Theo đó, Tập đoàn Asanzo cho biết đã ký hợp đồng dịch vụ với Công ty Sharp - Roxy (Hong Kong Ltd) để được cung cấp những phần mềm và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, trong hợp đồng cũng đề cập nội dung chuyển giao công nghệ lắp ráp chi tiết bằng video và thực hành trên mỗi phần của tvi.

Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thực hiện việc thanh toán dịch vụ như trong hợp đồng đã ký kết do chưa xin được xác nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc chuyển giao công nghệ.

Đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam sau đó cũng khẳng định hợp đồng trên là giả mạo và đối tác Sharp - Roxy không có thật.

Bên cạnh lùm xùm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Asanzo cũng bị xác định có nhiều dấu hiệu trốn thuế khi để ngoài sổ sách kế toán, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, ghi giá trên hóa đơn cao hơn thực tế với nhiều giao dịch mua - bán hàng hóa với các công ty thành viên.

Cơ quan thuế TP.HCM cũng chỉ ra việc Asanzo sử dụng hóa đơn đầu vào của các công ty không còn hoạt động, chủ yếu do người lao động trong doanh nghiệp đứng tên giúp đại diện pháp luật để nhập linh kiện bán lại cho chính Asanzo.

Qua xác minh tài khoản ngân hàng, tiền lại được chuyển ngược về tập đoàn hoặc cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo. Số tiền mà bà Hiền đã rút ra ước tính hơn 500 tỷ đồng. Đặc biệt, các công ty này thời điểm đó không còn tồn tại tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế.

Trước những vi phạm này, giữa tháng 10/2019, Cục Thuế TP.HCM đã chuyển hồ sơ vụ việc phát sinh tại Tập đoàn Asanzo sang cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân, tổ chức liên quan.

Đến ngày 23/6 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình, đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Asanzo về tội Trốn thuế.

Sau đó một ngày, ông Tam và ông Tình đã bị bắt tạm giam.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/toan-canh-vu-asanzo-tu-lum-xum-xuat-xu-den-lanh-dao-vuong-lao-ly-post1483035.html