Chuyển đổi số của Quốc hội - từ nhận thức đến hành động

Với sự chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và quyết tâm chính trị cao, Chi bộ Vụ Chuyển đổi số tin tưởng, hoàn toàn có thể xây dựng một 'Quốc hội số' minh bạch, hiện đại, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và xu thế phát triển.

Chuyển đổi số đòi hỏi phải kiên trì, làm bằng được

Trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV chiều nay, 16/7, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số Bùi Danh Tuyên nêu rõ, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, Quốc hội Việt Nam - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới toàn diện phương thức hoạt động. Quốc hội không chỉ phải bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, mà còn cần nâng cao khả năng tương tác, tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh chóng trước yêu cầu ngày càng cao của cử tri và xã hội.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số Bùi Danh Tuyên trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số Bùi Danh Tuyên trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số cho rằng, mô hình làm việc truyền thống hiện nay vẫn còn mang tính thủ công, phân tán dữ liệu, thiếu kết nối dẫn đến nguy cơ mất tính thời sự trong việc ra quyết định.

"Chủ đề này đặt ra yêu cầu phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong vận hành hoạt động của Quốc hội; định hình lộ trình, giải pháp cụ thể với sự chỉ đạo chiến lược, quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Quốc hội; tổ chức thực thi đồng bộ, bảo đảm an toàn, bảo mật, hiệu quả thực chất", Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số cũng nhấn mạnh tới các chỉ đạo chiến lượccủa Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đó là: Quốc hội phải tiên phong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); ĐBQH sử dụng iPad và hệ thống phần mềm App Quốc hội 2.0 để họp và xử lý công việc mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng và hiệu quả, hạn chế tối đa giấy tờ; người đứng đầu phải thể hiện quyết tâm chính trị cao, chuyển đổi số đòi hỏi phải kiên trì làm bằng được để củng cố niềm tin xã hội; ưu tiên số hóa hồ sơ, xây dựng kho dữ liệu tập trung của Quốc hội; Chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, bảo đảm hạ tầng số, an ninh mạng, an toàn và bảo mật thông tin; triển khai "Bình dân học vụ số".

Theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội đã được thành lập vào ngày 15/11/2024 để triển khai xây dựng và phát triển Quốc hội số, trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là Trưởng Ban Chỉ đạo. Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã có những kết quả ban đầu rất tích cực.

Cụ thể, ngày 13/5/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1637/NQ-UBTVQH15 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số của Quốc hội giai đoạn 2025-2030. Đề án này là cơ sở để triển khai việc thực hiện chuyển đổi số của Quốc hội một cách bài bản, toàn diện, khoa học, hiệu quả, minh bạch.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số Bùi Danh Tuyên trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Phạm Thắng

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số Bùi Danh Tuyên trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Phạm Thắng

Bên cạnh đó, đã xây dựng Hệ thống App Quốc hội 2.0:trên cơ sở kế thừa ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế của App Quốc hội 1.0 sử dụng từ năm 2019 (qua ý kiến góp ý của ĐBQH) đã nâng cấp thành Hệ thống App Quốc hội 2.0 sử dụng trên các thiết bị di động phục vụ hoạt động của ĐBQH từ Kỳ họp thứ Chín vừa qua với nền tảng số toàn diện, thiết kế chuyên biệt, hỗ trợ rất hiệu quả hoạt động ĐBQH trong việc Quản lý tài liệu và tra cứu thông tin. Hiện nay, App Quốc hội 2.0 đang phục vụ các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH, sắp tới sẽ mở rộng sử dụng tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xây dựng Hệ thống Gỡ băng ghi âm: tổ chức quản lý các bản ghi âm cuộc họp, chuyển giọng nói thành văn bản, tạo lập cơ sở dữ liệu về bản ghi và biên bản cuộc họp để làm căn cứ xây dựng báo cáo, kết luận, nghị quyết được chính xác, trung thực, toàn diện và bảo đảm chất lượng. Hệ thống đã tích hợp trí tuệ nhân tạo nhận dạng giọng nói để tạo ra biên bản cuộc họp trực tiếp tại cuộc họp với tốc độ nhanh và độ chính xác cao.

Hệ thống mang lại hiệu quả vượt trội với tốc độ xử lý và độ chính xác cao, chỉ 5 phút sau khi phiên họp kết thúc thì biên bản đã được hoàn thiện. Hệ thống gỡ băng sử dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến không chỉ cho phép chuyển đổi giọng nói thành văn bản mà còn nhận diện giọng nói của các vùng miền với độ chính xác cao trên 90% và tự động sửa lỗi từ, ngắt câu trong biên bản.

Đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Trí tuệ nhân tạo cho phép tự động nhận diện người nói dựa trên cơ sở dữ liệu giọng nói của đại biểu đã được thu thập và có thể được cập nhật theo thời gian thực ngay khi có đại biểu phát biểu. Trí tuệ nhân tạo giúp tăng tốc độ biên tập biên bản của cán bộ gỡ băng lên tối thiểu 50%.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của Quốc hội:hệ thống hỗ trợ việc rà soát sự chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất của văn bản pháp luật; hệ thống hỗ trợ tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Xây dựng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành điện tử: xử lý văn bản, quản lý hồ sơ công việc, thay đổi quy trình xử lý văn bản giấy sang môi trường số. Hệ thống tích hợp, liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia và các ứng dụng khác trong hệ sinh thái Quốc hội số. Đồng thời, tích hợp các chức năng quản lý công việc như giao, nhận và theo dõi tiến độ nhiệm vụ giúp cho việc xử lý văn bản thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi; tích hợp chữ ký số chuyên dùng.

Hệ thống cũng bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành từ Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan tham mưu giúp việc Đảng ủy Quốc hội và lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị.

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Công tác đại biểu xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ công tác đại biểu gồm: Cổng thông tin bầu cử Quốc gia cung cấp thông tin chính thức từ Hội đồng bầu cử Quốc gia trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Quản lý thông tin bầu cử: Công cụ hỗ trợ quản lý hồ sơ ứng cử, thông tin số liệu bầu cử và tạo lập các báo cáo phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia; Quản lý hồ sơ đại biểu Quốc hội: Công cụ quản lý hồ sơ đại biểu Quốc hội (từ Quốc hội khóa I đến nay); Hệ thống bồi dưỡng đại biểu dân cử và hệ thống hỗ trợ công tác tập huấn, bồi dưỡng các đại biểu dân cử trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu.

Đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Cùng với đó, đã xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ công tác dân nguyện và giám sát; triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin, triển khai hệ thống giám sát an ninh mạng trên toàn bộ các hệ thống thông tin của Quốc hội; triển khai các hệ thống điều hành mạng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng gồm: Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).

Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ, mà là thay đổi căn bản cách thức hoạt động

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số Bùi Danh Tuyên nhấn mạnh, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm trong tổ chức và triển khai, cụ thể như sau:

Một là, xây dựng nhận thức và văn hóa số. Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển đổi số, quản trị dữ liệu, an toàn thông tin cho đại biểu, công chức; phát động phong trào “Văn phòng không giấy tờ”: họp trực tuyến, hồ sơ điện tử, hạn chế in ấn.

Hai là, hoàn thiện hạ tầng, nền tảng số. Triển khai VNeID, trục liên thông văn bản quốc gia, xác thực đa nhân tố; bảo đảm liên thông giữa Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH và các cơ quan trong hệ thống chính trị; xây dựng Kho dữ liệu Quốc hội: lưu trữ tập trung, phân quyền, bảo mật chặt chẽ; tích hợp biểu quyết, chất vấn, tiếp xúc cử tri, giám sát trên hệ thống công nghệ thông tin.

Đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long

Ba là, số hóa quy trình và tự động hóa. Áp dụng luồng xử lý công việc trên nền tảng số, chữ ký số; tự động hóa soạn thảo - thẩm định - ban hành văn bản; Ứng dụng AI với mô hình ngôn ngữ tự nhiên để tổng hợp ý kiến đại biểu, phân tích văn bản pháp luật, dự báo xu hướng cử tri.

Bốn là, tăng cường tương tác, minh bạch với cử tri. Hoàn thiện nâng cấp App Quốc hội 2.0, Hệ thống cổng thông tin điện tử (khảo sát trực tuyến, phản hồi ý kiến, theo dõi tiến độ giải quyết); Phát trực tiếp phiên họp trên các nền tảng số, triển khai chatbot trả lời và hỗ trợ tự động.

Năm là, về lộ trình và chỉ tiêu, Văn phòng Quốc hội phấn đấu đến Quý IV/2025: Hoàn thiện công tác tập huấn về chuyển đổi số cho toàn thể cán bộ, công chức của các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Đến Quý IV/2026 hoàn thiện số hóa các quy trình nghiệp vụ 6 trụ cột và hoàn thiện việc thử nghiệm AI trong hoạt động của Quốc hội.

Đến Quý IV/2027, mở rộng tương tác với cử tri; triển khai chatbot, trợ lý ảo cho toàn thể cử tri tham gia tương tác với các hệ thống của Quốc hội theo quy định; phấn đấu tỷ lệ hài lòng cử tri trên 80%.

Sáu là, vấn đề an toàn, bảo mật, pháp lý: ban hành chính sách bảo vệ dữ liệu Quốc hội, bảo mật thông tin ĐBQH, cử tri. Hoàn thiện Quy chế quản lý kho lưu trữ tài liệu số của Quốc hội.

Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ, mà là thay đổi căn bản cách thức hoạt động, tư duy và văn hóa làm việc. Với sự chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và quyết tâm chính trị cao, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số tin tưởng, hoàn toàn có thể xây dựng một “Quốc hội số” minh bạch, hiện đại, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và xu thế phát triển.

Chi bộ Vụ Chuyển đổi số mong muốn, Đảng bộ Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025 - 2030 cần tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung: tăng cường cán bộ chất lượng cao, hợp tác quốc tế, tiếp cận công nghệ mới; đẩy mạnh tuyên truyền trong toàn Đảng bộ Văn phòng Quốc hội: coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; tập trung chỉ đạo triển khai thành công Đề án Chuyển đổi số của Quốc hội giai đoạn 2025 - 2030 đã được ban hành.

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, từng đảng viên, từng công chức cùng phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chung tay xây dựng Quốc hội số hiện đại, vì nhân dân, của nhân dân.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-doi-so-cua-quoc-hoi-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-10379911.html