Chuyển đổi số để đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh hơn

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan khu trưng bày về CNTT trong khuôn khổ Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT toàn quốc tổ chức tại Phú Yên. Ảnh: THÙY THẢO

Chúng ta có tài nguyên thiên nhiên quý giá; có sức lực, trí tuệ, tri thức; có truyền thống lịch sử cách mạng anh hùng là điều kiện cần. Điều kiện đủ là chúng ta thủ đắc và ứng dụng được khoa học - công nghệ, trong đó chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu, làm khâu đột phá để phát triển.

Không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số

Nhìn lại 45 năm từ ngày giải phóng Phú Yên, xa hơn là dòng chảy lịch sử vùng đất, mỗi công dân Phú Yên không những tự hào về quá khứ vẻ vang, mà còn thấy trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Đó là chung tay xây dựng Phú Yên giàu có, yên bình, người dân được sống hạnh phúc và tự hào về quê hương của mình.

45 năm kể từ ngày Phú Yên được giải phóng (1/4/1975-1/4/2020), với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân đã xây dựng quê hương không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Quá khứ tiếp sức cho hiện tại để xây dựng quê hương, bằng sự đồng thuận của cả bộ máy chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Và với thực tiễn của đất nước hiện nay, đòi hỏi Phú Yên phải phát triển mạnh mẽ hơn, thay đổi cả về chất và lượng.

Phú Yên làm gì để tiếp tục phát triển là câu hỏi lớn mà chúng ta phải có trách nhiệm giải đáp bằng hành động, chính xác và hiệu quả. Phát triển ổn định, bền vững, thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tiếp cận được các giá trị và sự tiến bộ của nhân loại là mục tiêu hướng tới, cần phải có một chiến lược đúng đắn, có sức mạnh của sự sáng tạo.

Chiến lược đó chính là đột phá vào những lĩnh vực có điều kiện thuận lợi và lợi thế cạnh tranh như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao... Để thực hiện được chiến lược này nhanh chóng, thì phải đầu tư cho việc chuyển đổi số, và con người có năng lực tiếp cận công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất. Chuyển đổi số chính là bước đột phá đầu tiên, căn bản và xuyên suốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội hiện đại.

Tiến tới kinh tế số - xã hội số

Về một số phương diện kinh tế, Phú Yên có thể là địa phương đi sau nhưng có nhiều lợi thế có thể phát huy để thay đổi cục diện từ công cuộc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội phát triển nền kinh tế số mà ở đó những thế mạnh của tỉnh được khai thác tối đa với nền sản xuất thông minh, quản trị thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh… Doanh nghiệp có cơ hội thay đổi mô hình kinh doanh để trở nên hiệu quả hơn, tiếp cận khách hàng, thị trường tốt hơn, tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới.

Người nông dân sẽ tiếp cận được những giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng với chi phí hợp lý, từ đó đưa sản phẩm của Phú Yên đến những thị trường cao cấp hơn. Những sản phẩm du lịch được số hóa sẽ tiếp cận và thu hút những vị khách quốc tế cách hàng trăm nghìn kilometre.

Chuyển đổi số tạo cơ hội cho người dân được sử dụng những dịch vụ công thuận lợi, minh bạch, tiếp cận được những dịch vụ số, giải pháp số, tiêu dùng số nhanh chóng, thuận tiện trong một xã hội phẳng hơn; đặc biệt là được tiếp cận giáo dục và y tế chất lượng cao dễ dàng hơn với chi phí phù hợp.

Người dân không còn phải vất vả đi đến các bệnh viện lớn mà có thể được chăm sóc y tế bởi các chuyên gia đầu ngành từ các cơ sở y tế tại địa phương thông qua các công nghệ số. Các tài nguyên, học liệu hay việc trao đổi với các thầy cô giáo từ mọi nơi trên thế giới có thể dễ dàng được thực hiện trong kỷ nguyên số.

Chuyển đổi số cũng là cơ hội để chúng ta lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nếu trước đây, những giá trị này chỉ có thể được tìm thấy trong bảo tàng, hay sách vở thì việc số hóa sẽ tạo cơ hội tái hiện một cách chân thực nhất để nhân dân có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận, học sinh, sinh viên học tập và nghiên cứu.

Và đây cũng là giải pháp để chúng ta từng bước xây dựng một chính quyền số kiến tạo, kết nối để minh bạch hơn, hiệu quả hơn, sáng tạo hơn hướng tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chuyển đổi số chính là cơ hội để Phú Yên xây dựng một xã hội số mà ở đó con người là trung tâm của sự phát triển, ở đó tiến bộ kinh tế được hài hòa với công bằng xã hội.

Chuyển đổi số cần sự đồng thuận và nỗ lực chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò kiến tạo, thúc đẩy và dẫn dắt thuộc về các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp, những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của các tổ chức cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Và quan trọng nhất, bản thân chúng ta cần phải chuyển đổi, trong cả tư duy, nhận thức và hành động. Bởi vì, nếu con người, thành tố đầu tiên và quan trọng nhất trong 3 yếu tố quyết định sự thành công (con người, thể chế và công nghệ) không chuyển đổi thì không thể nào có chuyển đổi số.

Chúng ta cần hiểu rằng, mình có cơ hội thì các địa phương khác cũng tương tự, vì thế nếu không tận dụng tốt, nhanh chân sẽ lại là thách thức. Điều cốt lõi chính là ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho các tổ chức, góp phần nâng cao giá trị cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội.

Phú Yên có phần phát triển chậm hơn so với nhiều đô thị lớn trong cả nước, nên chúng ta cần xác định tâm thế của người đi sau, tận dụng những thành tựu mới của người đi trước và phải nỗ lực hơn rất nhiều lần để có thể vượt lên.

PHẠM ĐẠI DƯƠNG

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/237010/chuyen-doi-so-de-dua-kinh-te-xa-hoi-tinh-nha-phat-trien-nhanh-hon.html