Chuyển đổi số để tối ưu hiệu quả quản lý vận tải

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ đã mang đến những kết quả thiết thực, rõ rệt cho công tác quản lý giao thông vận tải (GTVT) của Hà Nội.

Điều đó cho thấy, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu và đúng đắn nhằm tối ưu hiệu quả quản lý vận tải.

Hà Nội đang tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải, ông có thể chỉ ra một điểm nhấn rõ nét về vấn đề này trong thời gian qua?

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long.

- Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ - TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Có thể nói Hà Nội là địa phương tích cực, đi đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt quản lý, kinh doanh, sản xuất, đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực GTVT. Và ngược lại, chuyển đổi số đã mang đến những kết quả rất rõ rệt, nâng cao công tác quản lý cũng như chất lượng dịch vụ vận tải, làm hài lòng người dân.

Một trong những kết quả lớn nhất Hà Nội đạt được là đưa loại hình thẻ vé điện tử liên thông vào mạng lưới xe buýt. Tháng 4 chúng tôi bắt đầu thí điểm, đến tháng 11 thì áp dụng rộng rãi thẻ vé điện tử cho toàn mạng lưới, và nhận được phản hồi vô cùng tích cực từ phía người dân. Những phiền hà khi sử dụng vé giấy trước đây đã được loại bỏ, người dân có thể sử dụng thiết bị di động thông minh để mua, thanh toán vé bất cứ lúc nào.

Vai trò của thẻ vé điện tử liên thông không chỉ nằm trong phạm vi mạng lưới xe buýt. Về lâu dài nó sẽ là tấm vé duy nhất liên thông mọi loại hình vận tải công cộng khác như: đường sắt đô thị, xe buýt, xe đạp công cộng, taxi…, là một trong những điều kiện tiên quyết để Hà Nội có mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức đúng nghĩa.

Qua đó ông đánh giá như thế nào về tính thực tiễn và vai trò của chuyển đổi số trong công tác quản lý vận tải?

- Ứng dụng khoa học công nghệ cho lĩnh vực quản lý vận tải rất nhiều mà chúng ta mới chỉ khai thác được một phần thôi đã cho kết quả rất khả quan. Như vậy có thể khẳng định, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu, đúng đắn đối với mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và công tác quản lý vận tải nói riêng.

Nói cách khác, chuyển đổi số chính là chìa khóa để mở ra một Kỷ nguyên mới hiệu quả, thành công và phát triển hơn cho mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có GTVT. Những người làm công tác quản lý vận tải lại càng phải tiên phong bắt nhịp và dẫn dắt xu thế chuyển đổi số, số hóa nhằm tối ưu hiệu quả công việc mình đang thực hiện, làm lợi cho người dân, DN và cho chính mình.

Vậy chuyển đổi số trong quản lý vận tải trước tiên cần tập trung vào đâu thưa ông?

- Muốn chuyển đổi số phải có hạ tầng số, DN số, công dân số, dữ liệu số… Vì vậy tôi cho rằng chuyển đổi số trước tiên phải tập trung vào khâu kiến tạo hạ tầng số, thu thập dữ liệu số. Ví dụ như với thẻ vé điện tử liên thông, chúng ta đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, kiểm soát, minh bạch được doanh thu xe buýt, định lượng được nhu cầu của hành khách trên từng tuyến buýt một cách dễ dàng, giúp công tác quản lý chính xác và hiệu quả hơn.

Đối với các loại hình như: xe hợp đồng, xe khách liên tỉnh, xe học sinh… cũng vậy, trước tiên cần một ứng dụng quản lý tập trung, cần hạ tầng để vận hành ứng dụng đó. Hiện nay không ít xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định. Dù quy định là phải báo cáo thông tin điểm đi, đến, đón khách trước khi thực hiện hợp đồng, nhưng mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn lượt xe gửi thông tin báo cáo, sức người không thể đối soát, kiểm tra hết được.

Người dân sử dụng vé điện tử để đi xe buýt BRT. Ảnh: Khải Hưng

Người dân sử dụng vé điện tử để đi xe buýt BRT. Ảnh: Khải Hưng

Cần phải có một ứng dụng tự động lọc thông tin, liên kết với giám sát hành trình trên xe để hậu kiểm xem có thực hiện đúng hay không. Cơ quan quản lý chỉ cần căn cứ trên dữ liệu điện tử để xử lý vi phạm nếu có. Điều đó cho thấy, quan trọng nhất trước tiên là phải có hạ tầng số, dữ liệu số để quản lý xe kinh doanh vận tải.

Sau khi đã có ứng dụng và hệ thống dữ liệu đầy đủ, không chỉ cơ quan quản lý “bớt việc”, mà chính DN và người dân sẽ bắt đầu được hưởng lợi từ việc giảm thủ tục hành chính, tăng cường vai trò chủ động, giảm thời gian, chi phí đi lại.

Ông có thể trao đổi rõ hơn về những cái lợi cho người dân, DN khi chuyển đổi số trong quản lý vận tải?

- Lấy ví dụ như việc xin cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải hiện nay, người dân đã có thể đăng ký trực tuyến, nhưng vẫn phải đến bộ phận Một cửa của Sở GTVT để nhận kết quả. Chúng tôi đang kỳ vọng có thể giải quyết thủ tục này trực tuyến toàn trình. Nghĩa là người dân, DN đăng ký trực tuyến, nếu hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được cấp một mã QR để dán trên xe.

Khi lực lượng chức năng kiểm tra chỉ cần quét mã QR sẽ ra toàn bộ thông tin cần tìm. Như vậy người dân, DN không phải đi lại, chờ đợi; lực lượng chức năng khi kiểm tra không phải mất nhiều thời gian, thao tác đối soát… Đó là làm lợi cho tất cả các bên bằng chuyển đổi số.

Hay như việc xây dựng đội ngũ xe trung chuyển người dân từ các khu dân cư đến bến để sử dụng xe khách liên tỉnh. Nếu có một ứng dụng điện tử mà qua đó người dân có thể tìm được xe trung chuyển bất cứ lúc nào, đến bất cứ bến nào mong muốn, đặt chỗ, biết trước giờ đón, chủ động lên xe… sẽ có lợi cho cả hành khách, bến xe lẫn các DN khai thác xe liên tỉnh.

Ứng dụng này sẽ tạo nên một mối liên kết chặt chẽ, góp phần ngăn ngừa xe dù, xe trá hình, bảo đảm quyền lợi cho người dân, DN và tăng cường hiệu quả quản lý vận tải…

Đối với sự phát triển chung của thị trường vận tải, chuyển đổi số có thể mở ra những cơ hội như thế nào, thưa ông?

- Chuyển đổi số đang mở ra một Kỷ nguyên mới, hứa hẹn nhiều thành tựu lớn hơn, phát triển mạnh mẽ hơn cho thị trường vận tải. Ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giúp minh bạch, cân bằng thị trường, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh mà còn là điều kiện để hình thành nhiều phương thức kinh doanh mới, hiệu quả hơn.

Ví dụ như sàn giao dịch điện tử dành cho vận tải hàng hóa. Trên sàn giao dịch, các thông tin về chuyến hàng được đưa lên cho các DN đấu thầu. DN dựa vào đó để tính toán chi phí, cung đường vận chuyển cho mình trước khi giao kết. Đây sẽ là kênh quan trọng để tiết kiệm chi phí cho DN, hạ giá cước cho khách hàng thông qua cạnh tranh sòng phẳng.

Còn rất nhiều ứng dụng thực tiễn và quý giá khác nữa mà chuyển đổi số mang đến cho thị trường vận tải. Qua đó có thể thấy, chuyển đổi số là xu thế phát triển bền vững cho thị trường vận tải; là công cụ hữu ích nhất bảo đảm hiệu quả công tác quản lý; và là điều kiện tiên quyết để người dân được hưởng lợi ích trong lĩnh vực vận tải bao gồm cả hàng hóa lẫn hành khách.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-de-toi-uu-hieu-qua-quan-ly-van-tai.html