Đến 2030, ngành đường sắt sẽ đóng các toa tàu khách có vận tốc 120km/h
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tập trung vào sản xuất và đóng các loại toa tàu khách có tốc độ cao 120km/h, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hiện đại.
Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa phê duyệt chiến lược phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035.
Đến năm 2030, ngành đường sắt đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ với khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 11,8 triệu tấn và số lượng hành khách đạt 21,5 triệu lượt, chiếm 0,27% và 1,87% thị phần vận tải. Tầm nhìn đến năm 2035, VNR sẽ tập trung khai thác hiệu quả các tuyến mới vừa được nhà nước đầu tư, bàn giao và các tuyến hiện hữu.
Chiến lược đặt mục tiêu triển khai các dự án đầu tư để hiện đại hóa công nghiệp đường sắt, tăng cường năng lực tự chủ trong sản xuất, bảo trì và sửa chữa các thiết bị, phương tiện.
Cụ thể, ngành đường sắt sẽ phát triển công nghiệp lắp ráp đầu máy sử dụng năng lượng sạch cho các tuyến cũ và đầu máy điện cho các tuyến mới, nghiên cứu và phát triển đoàn tàu tự hành (EMU). Mục tiêu là hoàn thiện công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất đầu máy có công suất dưới 2000 Hp, hướng tới chủ động sản xuất hoàn toàn.
Đặc biệt, chiến lược phát triển của VNR sẽ tập trung vào sản xuất và đóng các loại toa tàu khách tốc độ cao 120km/h, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hiện đại. Đồng thời, tổng công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu toa xe sang các nước trong khu vực và hợp tác nước ngoài để thiết kế, chế tạo giá chuyển hướng toa hàng.
Đến năm 2035, VNR đặt mục tiêu vận chuyển mỗi năm đạt 15,1 triệu tấn hàng hóa, 27,5 triệu lượt khách và đạt tổng công suất vận chuyển 10,92 tỉ lượt khách.km.
Trường hợp hai đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang được hoàn thành và giao VNR quản lý, khai thác, tổng công ty đặt mục tiêu vận chuyển 7,7 triệu lượt khách trong năm đầu tiên khai thác, duy trì mức tăng trưởng 9%/năm.
VNR cũng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất danh mục tài sản cụ thể để giao cho tổng công ty theo mô hình đường sắt vốn nhà nước, xây dựng phương án nâng cấp các ga tại đô thị lớn thành trung tâm đa chức năng, đưa doanh thu từ dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ ngoài vận tải lên 1.500 tỉ đồng/năm.
Đến năm 2035, chiến lược tập trung vào việc nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong sản xuất, giảm thiểu khí thải nhà kính, góp phần thực hiện cam kết tại COP 26, đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa phương tiện vận tải để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành đường sắt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trọng tâm là hoàn thành đúng tiến độ các dự án đầu tư phương tiện vận tải giai đoạn 2021-2025, nghiên cứu phương án huy động vốn đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và theo quy định.
Về vận tải, VNR tập trung đổi mới tổ chức, tăng hiệu quả sử dụng đầu máy, toa tàu, linh hoạt sửa chữa, bảo trì, đẩy mạnh cơ giới hóa bảo dưỡng hạ tầng, đẩy mạnh quản lý, chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển thị trường, đa dạng hóa dịch vụ để thu hút hành khách.
Cùng với đó, tổng công ty tận dụng hạ tầng mới nâng cấp để rút ngắn thời gian chạy tàu, tăng kết nối với giao thông đô thị, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt mới.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ tăng khối lượng vận chuyển từ khu công nghiệp, nhà máy, phát triển vận tải container và logistics, tối ưu năng lực tuyến Đông - Tây để chở hàng liên vận quốc tế.