Chuyển đổi số - động lực cải cách hành chính - Bài 1
BPO - Cải cách thủ tục hành chính cùng với chuyển đổi số và chính sách thu hút đầu tư hợp lý đã giúp Bình Phước trở thành điểm đến và dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Với tiềm năng sẵn có cùng chủ trương đúng đắn, sáng tạo, những năm gần đây, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Bình Phước không ngừng được cải thiện nên nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh liên tục tăng. Thu hút đầu tư FDI được xem là đòn bẩy để Bình Phước đạt được các mục tiêu đề ra.
TTHC MINH BẠCH - CƠ HỘI THU HÚT ĐẦU TƯ FDI
Với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, bên cạnh tập trung nguồn lực chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với nhiều giải pháp toàn diện, thủ tục được cắt giảm, rút ngắn tối đa, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và đổi mới. Việc thu hút FDI của Bình Phước trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế, đóng góp nguồn vốn rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú là doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Phước. Hoạt động trên địa bàn tỉnh từ tháng 11-2015, công ty luôn được tỉnh hỗ trợ xuyên suốt để kinh doanh thuận lợi. Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng công ty đã nỗ lực vượt khó và trở thành một trong những DN nộp thuế lớn cho ngân sách tỉnh. Công ty này cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động. Sản xuất hàng may mặc các hãng thời trang và thể thao nổi tiếng, các mặt hàng của công ty chủ yếu xuất khẩu nên các thủ tục về thuế, hải quan, nhập cảnh phát sinh thường xuyên. Tuy nhiên, các thủ tục này đều được các sở, ngành tạo điều kiện giải quyết tại một đầu mối và thực hiện trực tuyến để giảm chi phí đi lại, tăng tính minh bạch, cạnh tranh cho DN.
Ông Chou Chun Chieh, Giám đốc đơn vị quản lý, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam) chia sẻ: “Nhờ những chính sách hỗ trợ DN nước ngoài của Chính phủ Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Bình Phước nói riêng mà công ty đã và đang phát triển ngày một bền vững hơn. Cùng với sự thay đổi trong giải quyết TTHC, áp dụng hành chính điện tử cũng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển này, giúp tiết kiệm thời gian cũng như công sức cho nhân sự công ty”.
Cùng với cơ chế, chính sách cởi mở, giải quyết TTHC nhanh gọn, sẵn sàng chào đón và hỗ trợ DN đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư FDI chọn Bình Phước là nơi dừng chân. Điển hình như Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú hoạt động tại Bình Phước từ năm 2013, sản xuất ở lĩnh vực may mặc với 1.500 công nhân. Trong quá trình hoạt động, công ty đã và đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, nhanh chóng của chính quyền tỉnh, từ TTHC đến cơ sở hạ tầng. Đó là lý do DN này chọn Bình Phước để tiếp tục mở rộng và phát triển trong thời gian tới.
Chúng tôi đánh giá môi trường đầu tư tại tỉnh Bình Phước rất tiềm năng. Ngoài hỗ trợ tận tình của các cơ quan, ban, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, phát triển thì tiềm lực về con người và kinh tế mở cũng là một lợi thế đáng chú ý cho các DN đầu tư vào Bình Phước. Công ty chúng tôi cũng đánh giá các nhà máy đặt tại Bình Phước là những nhà máy điểm của tập đoàn để tiếp tục mở rộng sản xuất trong những năm tới.
Ông Cho Won Sang,
Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn
Tiếp tục thu hút vốn FDI có chất lượng
Cải cách TTHC có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bình Phước xác định phải xây dựng cho được môi trường hành chính minh bạch và chuyên nghiệp. Bên cạnh yếu tố con người, phải thực hiện triệt để và hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong cải cách TTHC nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN.
Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Giải quyết TTHC cho DN tập trung tại một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo nguyên tắc 4 tại chỗ đã rút ngắn tối đa thời gian, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho DN khi đến đầu tư. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư có 113 thủ tục đang triển khai tại trung tâm và đều thực hiện hoàn toàn mức độ 4. Sở cũng đã chủ động tham mưu tỉnh cắt giảm 2/3 thời gian trong giải quyết hồ sơ cho DN.
Ông Chou Chun Chieh, Giám đốc đơn vị quản lý, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam) chia sẻ: “Tôi thấy việc triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công giúp đơn giản hóa các TTHC nhằm giải quyết thủ tục một cách nhanh chóng, tăng tính minh bạch. Với chính sách cởi mở, giá thuê mặt bằng đất hợp lý, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân công dồi dào, tôi cảm thấy Bình Phước thực sự là một nơi đáng để lưu tâm nếu muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam”.
Lợi thế hạ tầng giao thông khá thuận lợi, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ thông qua quốc lộ 13, 14 và đường ĐT741 được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô từ 6 đến 8 làn xe, đã tạo điều kiện để Bình Phước hội nhập sâu hơn, thu hút đầu tư và phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vị trí địa lý tương đối thuận lợi, tiềm năng phát triển đa dạng, kết hợp chiến lược thu hút đầu tư phù hợp, Bình Phước đang dần khẳng định là một trong những địa phương năng động trong phát triển kinh tế.
Hiện nay, Bình Phước đã có những đối tác đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ... Lĩnh vực đầu tư của DN FDI tập trung vào sản xuất linh kiện điện tử; công nghiệp dệt may; sản xuất bao bì, chế biến thực phẩm… DN FDI đầu tư vào tỉnh thành công và liên tục mở rộng sản xuất - kinh doanh đã giúp những DN FDI khác tin tưởng và đăng ký đầu tư mới ngày một tăng. Điều này đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, tạo ra môi trường công nghiệp hiện đại.
Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh nhấn mạnh: “Ngoài nỗ lực cải cách TTHC tạo thuận lợi nhất cho DN, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên vùng và nội tỉnh như: Đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành, Chơn Thành - TP. Hồ Chí Minh. Tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng, chọn lọc, thu hút các nhà đầu tư về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh cũng ưu tiên dự án thiên về dịch vụ, sử dụng ít diện tích đất, ít lao động trực tiếp để xứng tầm với các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ”.
Năm 2021, Bình Phước thu hút 63 dự án FDI với số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Phước thu hút thêm 18 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 48 triệu USD. Dòng vốn FDI đã đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong, ngoài tỉnh.
Có thể thấy, Bình Phước không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư bởi các yếu tố khách quan như mặt bằng, vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh mà đang dần thu hút bởi những chính sách đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và an toàn, cải cách TTHC theo hướng tinh gọn, hiện đại, dần khẳng định hướng đi đúng đắn hướng tới tỉnh công nghiệp vào năm 2025.