Chuyển đổi số – Động lực đổi mới, phát triển ngành tư pháp

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu đối với bộ, ngành tư pháp. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt, công cuộc chuyển đổi số tại đây đang dần trở thành cú hích mạnh mẽ góp phần đổi mới phương thức quản lý, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. (Ảnh: PHƯƠNG MAI)

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. (Ảnh: PHƯƠNG MAI)

Tuyến bài “Chuyển đổi số - Động lực đổi mới, phát triển ngành tư pháp” sẽ đi sâu vào phân tích hành trình chuyển đổi số của bộ, ngành tư pháp; từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến thực tiễn triển khai tại các đơn vị, địa phương. Qua đó, bạn đọc sẽ thấy rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, thách thức còn tồn tại. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trở thành động lực phát triển bền vững của Bộ, ngành tư pháp; góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài 1: Ngành tư pháp chủ động bứt phá trong công cuộc chuyển đổi số

Trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, Bộ, ngành tư pháp đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước xây dựng nền tư pháp số hiện đại, minh bạch, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Chủ trương lớn - Hành động quyết liệt

Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ chuyển đổi số là một trong ba trụ cột quan trọng của quá trình phát triển đất nước: Chính phủ số-Kinh tế số-Xã hội số. Trong đó, ngành tư pháp được định hướng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số.

Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa qua hàng loạt văn kiện quan trọng như: Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền, cùng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg).

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024). (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024). (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết rất quan trọng về chuyển đổi số với tựa đề "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Đây chính là lời hiệu triệu để toàn Đảng, toàn dân, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Tư pháp cùng quyết tâm thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Mới đây, ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đề ra nhiệm vụ: Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, liên thông, dễ khai thác, dễ sử dụng, an toàn thông tin và bí mật nhà nước. Bố trí kịp thời, đủ kinh phí để xây dựng, triển khai ngay Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ: Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, liên thông, dễ khai thác, dễ sử dụng, an toàn thông tin và bí mật nhà nước.

Trong bối cảnh đó, bộ, ngành tư pháp xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ, ngành tư pháp và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành.

Diễn đàn pháp luật chuyển đổi số trong ngành Tư pháp. (Ảnh: TH).

Diễn đàn pháp luật chuyển đổi số trong ngành Tư pháp. (Ảnh: TH).

Thực hiện các chủ trương nêu trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2021–2025, định hướng đến 2030, trong đó xác định 3 trụ cột chính: chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi mô hình quản lý, chuyển đổi hạ tầng dữ liệu và công nghệ.

Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được thực hiện từ sớm, đầy đủ; nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được xây dựng, triển khai phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo bộ; phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức trong ngành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cho đến nay, toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp như: đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được 63 địa phương trên cả nước cung cấp qua cổng dịch vụ công. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc từng bước hình thành.

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến trong nhiều lĩnh vực như cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký hộ tịch, chứng thực… Ứng dụng công nghệ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận thông tin pháp luật. Đẩy mạnh liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa ngành Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, góp phần hình thành nền hành chính phục vụ.

Người dân đến làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thành phố Hà Nội. (Ảnh: HƯƠNG NGUYÊN)

Người dân đến làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thành phố Hà Nội. (Ảnh: HƯƠNG NGUYÊN)

Nhiều địa phương đã chủ động đi đầu trong chuyển đổi số như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương…, với những mô hình điểm về công chứng, chứng thực; “Tư pháp trực tuyến”, “Một cửa điện tử thông minh”, mang lại tiện ích rõ rệt cho người dân và doanh nghiệp.

Ngành tư pháp cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhiều thủ tục như khai sinh, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm… đã được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Việc liên thông điện tử hai thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử đã được thực hiện ổn định, thông suốt, với số lượng hồ sơ ngày càng tăng. Đến nay đã có 63/63 địa phương đã hoàn thành và triển khai chính thức theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Việc sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, trích lục khai tử trong liên thông thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân, giảm bớt thời gian tác nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, các công chức thuộc ngành có liên quan khi thực hiện giải quyết hồ sơ liên thông thủ tục hành chính

Đáng chú ý, công tác quản lý, điều hành nội bộ của ngành cũng được số hóa mạnh mẽ thông qua việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử, họp trực tuyến, chữ ký số, nền tảng số trong xử lý công việc.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đẩy mạnh truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật trên các nền tảng số như mạng xã hội, website, ứng dụng di động… giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng, linh hoạt, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Hội nghị triển khai chuyển đổi số ngành Tư pháp và vai trò của người đứng đầu. (Ảnh: PHƯƠNG MAI)

Hội nghị triển khai chuyển đổi số ngành Tư pháp và vai trò của người đứng đầu. (Ảnh: PHƯƠNG MAI)

Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tư pháp được triển khai tập trung, thống nhất tại Trung tâm Dữ liệu điện tử của bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên phạm vi toàn quốc.

Những kết quả này đã góp phần làm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Lấy người dân làm trung tâm, lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo

Đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, chuyển đổi số trong ngành tư pháp là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự đồng bộ cả về thể chế, công nghệ và con người. Những thách thức như: bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh, liên tục thay đổi; hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, thiếu nhân lực công nghệ trong lĩnh vực pháp luật, hay nhận thức về chuyển đổi số của các đơn vị, cán bộ có nơi, có lúc còn chưa theo kịp yêu cầu; tâm lý e ngại đổi mới trong một bộ phận cán bộ vẫn còn là rào cản.

Bồi dưỡng nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của bộ, ngành Tư pháp. (Ảnh: HOÀNG THƯ)

Bồi dưỡng nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của bộ, ngành Tư pháp. (Ảnh: HOÀNG THƯ)

Bên cạnh đó, hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có các phần mềm hỗ trợ, khó tránh khỏi xảy ra sai sót, nhất là sai sót về kỹ thuật như viện dẫn sai điều khoản do các điều khoản đã được chỉnh sửa trong quá trình soạn thảo. Thực tế, thời gian qua việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra văn bản trong hệ thống pháp luật với hơn 60.000 văn bản đang còn hiệu lực (gần 9.000 văn bản cấp Trung ương và 50.000 văn bản cấp địa phương) là thách thức rất lớn cho cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Song, với quyết tâm chính trị cao và sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, ngành tư pháp đang từng bước tháo gỡ những “nút thắt” này. Đặc biệt, tinh thần “lấy người dân làm trung tâm, lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo” đang trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động chuyển đổi số.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh yêu cầu cần quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật. (Ảnh: PHƯƠNG MAI)

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh yêu cầu cần quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật. (Ảnh: PHƯƠNG MAI)

Trong nhiều bài viết và chỉ đạo gần đây, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã nhấn mạnh: Xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới cần phải có tư duy mở, cách làm mới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Theo đó, yêu cầu cần quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, liên thông, làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có thể thấy, chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn để ngành tư pháp nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan chủ trì trong xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đồng thời đi đầu trong triển khai tư pháp số một cách đồng bộ, thực chất và hiệu quả. Đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của toàn ngành tư pháp.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp là: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả” và “hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật”.

THU HẰNG - HƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-dong-luc-doi-moi-phat-trien-nganh-tu-phap-post882977.html