Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nối dài tăng trưởng
Nhiều doanh nghiệp đã thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, đổi mới tư duy, thay đổi cách làm giúp nâng cao hiệu suất, nối dài mạch tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức.
Công nghệ đưa doanh nghiệp đi nhanh, đi xa
Trong câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG hồ hởi chia sẻ, nhờ đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển đổi số đã giúp Công ty nâng cao năng suất, tối ưu chi phí, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Từ năm 2022, TNG thành lập chi nhánh giải pháp công nghệ TRE với nhiệm vụ chủ lực khi đó là thực hiện dự án Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình quản trị, sản xuất, giảm thiểu các rủi ro, thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường.
TNG đã cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, sử dụng máy móc thiết bị tự động, công nghệ AVG, robot trong việc điều hành sản xuất, giúp tối ưu chi phí, cải thiện năng suất lao động. Qua đó, giúp cải thiện đáng kể kết quả hoạt động của Công ty. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của TNG đạt 5.884 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,2% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mục tiêu xa hơn, ông Nguyễn Văn Thời kỳ vọng, TNG có thể trở thành đơn vị cung ứng phần mềm quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cho các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước, đồng thời hướng tới kế hoạch cán mốc xuất khẩu đạt 1 tỷ USD vào năm 2030.
Với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRG), từ năm 2021, Công ty đã triển khai vận hành chính thức hệ thống thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Đến nay, đơn vị đã hoàn thiện các hệ thống vệ tinh để cung cấp nền tảng số cho toàn bộ chuỗi cung ứng/mua sắm trên hệ thống; đã hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các hệ thống lập, giám sát, đánh giá kế hoạch hiệu quả sản xuất của nhà máy thông qua bộ giải pháp đánh giá dầu thô, lập kế hoạch tháng, kế hoạch sản xuất tuần, ngày tích hợp, kết hợp với hệ thống tính toán cân bằng vật chất.
Định hướng chuyển đổi trọng tâm, đẩy mạnh công tác số hóa/chuyển đổi số trong quản lý tài sản/tối ưu sản xuất từ hình thức thụ động quản lý sang hình thức chủ động theo dõi, đánh giá, dự báo, tăng cường ứng dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo/máy học (AI/ML) trong công tác tối ưu, dự báo, bảo dưỡng tiên đoán..., giúp BSR tiến gần hơn với mục tiêu "nhà máy thông minh".
Nhờ chuyển đổi số, BSR đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19. Công tác mua sắm, đấu thầu, nộp thầu đều chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn, giúp cho BSR vận hành ổn định, hoạt động sản xuất - kinh doanh đều diễn ra bình thường.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, VEAM đã không ngừng đầu tư vào đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm chính, bao gồm động cơ, máy nông nghiệp, ô tô và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện sản phẩm của VEAM đã xuất sang hơn 20 quốc gia.
Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội tốt để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó, yếu tố công nghệ được chú trọng để đưa doanh nghiệp đi xa.
Giải bài toán tăng thu, giảm chi
Chia sẻ tại Hội nghị “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số bền vững” do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực đề xuất những chính sách lớn trong đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững dựa trên những chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ về việc “Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế”, trong đó, chuyển đổi số luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong thời gian qua, ngoài việc tích cực triển khai hiệu quả các chính sách đã được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực đàm phán, làm việc với các đơn vị công nghệ uy tín tại Việt Nam để xây dựng những khung hỗ trợ, các gói giải pháp ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khuôn khổ hỗ trợ của Bộ, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí tư vấn hay các giải pháp số nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tính tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, tổng công ty, nâng cao tính hiệu quả trong doanh nghiệp dẫn dắt, trách nhiệm với cộng đồng.
Theo chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình. Đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 100 doanh nghiệp được hỗ trợ thành công và trở thành điển hình trong chuyển đổi số, từ đó nhân rộng ra các doanh nghiệp sản xuất, chế biến.
Nhiều doanh nghiệp cách đây 3 - 4 năm không hiểu chuyển đổi số là thế nào, nhưng giờ đã áp dụng mạnh mẽ, cải thiện tình hình kinh doanh nhờ công nghệ.
Ông Nguyễn Thượng Tường Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Base Enterprise chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí, nâng cao năng suất và tăng năng lực cạnh tranh khi sử dụng các ứng dụng mà Base cung cấp trong quản lý vận hành doanh nghiệp.
Nhờ công nghệ, các doanh nghiệp thay vì đầu tư dàn trải mở rộng, sẽ xây dựng quy trình làm việc và “đo lường” được rõ ràng, dám loại bỏ công việc thừa, tận dụng công nghệ để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí vận hành. Đồng thời, nhờ công nghệ, các dữ liệu về khách hàng được quản lý hiệu quả ở mức “chi tiết tới từng hoạt động”, phân tích, khai thác để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp nhất. Không chỉ bộ phận kinh doanh, các bộ phận khác như marketing, vận hành, sản xuất... cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh chung, hỗ trợ kịp thời để làm tăng cơ hội bán hàng.
Tuy nhiên, dù nhận rõ lợi thế của chuyển đổi số, nhưng các doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, thách thức đầu tiên là vấn đề nguồn lực và nhân lực, bởi để áp dụng chuyển đổi số, cần một nguồn vốn đầu tư tốt và nhân sự tốt. Ông Lương Như Cương, Giám đốc Công ty cổ phần Máy đóng gói Miky cho biết, việc thiếu nhân sự chất lượng cao là một khó khăn của những doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, hỗ trợ khi áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, số hóa cũng tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và các vấn đề liên quan, đòi hỏi có giải pháp để quản lý tốt, tối ưu hóa các lợi ích và giảm thiểu các rủi ro từ quá trình chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những ưu tiên hàng đầu của TNH
Ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH
Chuyển đổi số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hoạt động doanh nghiệp và công tác khám chữa bệnh luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của TNH.
Công ty đang sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện để hệ thống và theo dõi thông tin người bệnh. Việc sử dụng phần mềm này giúp Bệnh viện có thể quản lý được toàn diện, liên thông thông tin bệnh nhân từ khâu đặt hẹn, đăng ký khám, tiếp nhận thông tin, truy xuất thông tin linh hoạt. Việc sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện giúp tối ưu hóa được quy trình khám chữa bệnh. Nhờ vậy, TNH đã tiết kiệm được tối đa thời gian với các thủ tục hành chính; tạo điều kiện để các y, bác sỹ tập trung vào công tác chuyên môn, nâng cao hiệu suất làm việc.
Việc áp dụng phần mềm gọi điện chăm sóc khách hàng, app quản trị hồ sơ nhân sự cũng như các phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP… giúp Công ty có thể ra quyết định nhanh, đầy đủ dữ liệu, tiết kiệm thời gian và chi phí trong hoạt động.