Chuyển đổi số ngành giáo dục - Bài 1
Cùng với lĩnh vực y tế và văn hóa, giáo dục nằm trong nhóm xã hội số - là nhóm được Chính phủ quan tâm hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ số. Đây là lý do ngành giáo dục Việt Nam nói chung và ngành giáo dục Bình Phước nói riêng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để không bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Lộ trình thực hiện 'giáo dục số' đối với Bình Phước là một hành trình chứa đầy thách thức cũng như cơ hội.
CƠ HỘI ĐỊNH VỊ MỤC TIÊU
Đứng trước làn sóng công nghệ đang phát triển rộng lớn trên phạm vi toàn cầu, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều phải “nhìn lại” chính mình, để “định vị” và chọn ra hướng đi phù hợp trong lộ trình chuyển đổi số. Ngày 4-11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết được xem là “kim chỉ nam” để “định vị”, xác định hướng đi cho ngành GD-ĐT trong quá trình chuyển đổi số.
Khởi đầu từ những nghị quyết
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Đến ngày 25-1-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, hỗ trợ đổi mới dạy - học, nghiên cứu khoa học được triển khai trong toàn ngành. Và làn sóng công nghệ tạo nhu cầu đổi mới toàn diện lĩnh vực GD-ĐT ngày càng lớn. Đặc biệt, ngày 12-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về xây dựng chính quyền điện tử Bình Phước”, trong đó lĩnh vực giáo dục là một trong những ngành được quan tâm hàng đầu.
Sau khi “định vị” mình, xác định nội lực sẵn có và khó khăn hiện tại, ngành GD-ĐT tỉnh đã có chiến lược ngắn hạn, dài hạn mang tính toàn diện về cả chiều rộng lẫn chiều sâu để thay diện mạo mới. Và ngành xác định ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trên địa bàn tỉnh.
Nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục được ban hành, dần hoàn thiện hành lang pháp lý như các quy định ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, quy định quản lý, vận hành sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, mô hình ứng dụng CNTT trường phổ thông, chuẩn dữ liệu kết nối và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành khác.
Hạ tầng viễn thông là một trong yếu tố quyết định thành công cho chuyển đổi số. Từ năm 2010, tỷ lệ sử dụng internet cố định của người dân Bình Phước ở mức 25/1.000 dân, đến năm 2018 đạt 136/1.000 dân, mặt bằng chung cả nước thời điểm này là 137/1.000 dân. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động là 1.207/1.000 dân, đến năm 2018 con số này tăng lên 1.508/1.000 dân, trong khi đó vào thời điểm này mặt bằng chung cả nước đạt 1.378/1.000 dân. Với nền tảng về hạ tầng viễn thông, CNTT vào thời điểm năm 2018 thì việc chuyển đổi số đối với ngành GD-ĐT của Bình Phước là một thách thức. Sự chuyển biến rõ nét về kinh tế - xã hội, mặt bằng dân trí, bộ mặt hành chính, chất lượng chính quyền điện tử chỉ bắt đầu từ 2 nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây 2018-2020.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Để thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục trước hết phải bắt đầu từ mỗi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đây là các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình cũng như kết quả chuyển đổi số của ngành. Vì vậy, việc đầu tiên phải tập trung vào đổi mới phương pháp, công nghệ dạy và học, theo hướng lấy người học là trung tâm, là chủ thể của quá trình giáo dục. Đồng thời, phải gắn với đổi mới quản lý giáo dục theo hướng phục vụ người dân và lấy dữ liệu làm nền tảng. Mọi quyết định về chính sách và điều hành phải dựa trên phân tích dữ liệu, mang lại lợi ích cho người học và đội ngũ nhà giáo.
Ông Hồ Hải Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT
Là lĩnh vực quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, ngành GD-ĐT đã triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Sau 3 năm thực hiện đã có những chuyển biến tích cực từ việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số. Có nhiều quy định được thực hiện như: Quyền tác giả cho các bài giảng điện tử; phân cấp, phân quyền khai thác cơ sở dữ liệu, kho học liệu số; tính pháp lý của hồ sơ điện tử nói chung và sổ điểm, học bạ điện tử nói riêng. Những điều này giúp gỡ các nút thắt trong ngành giáo dục, từ đó thúc đẩy phát triển được hệ thống dữ liệu số, học liệu số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng.
Chuyển đổi số giúp ngành GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ đào tạo ra thế hệ công dân thông minh, công dân diện tử phục vụ lâu dài cho nhiệm vụ thực hiện chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Hai nhiệm vụ chính
Đối với lĩnh vực GD-ĐT, sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT - mạng xã hội, di động, Big Data - phân tích dữ liệu lớn, AI, SMAC - điện toán đám mây đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ số, ngành GD-ĐT tỉnh tập trung chuyển đổi số vào 2 nhiệm vụ chính: Thay đổi cách dạy, cách học và quản trị, quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực có chiều sâu từ mỗi trường học đến các đơn vị quản lý, hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, chi phí thấp để tất cả người dân tiếp cận dễ dàng.
Hiện nay, ngành giáo dục đang triển khai hàng chục ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục thông qua các phần mềm quản lý, điều hành và các hoạt động dạy, học như: Quản lý văn bản điện tử; quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh (vnEdu); dạy và học trực tuyến; chấm thi trắc nghiệm; soạn bài giảng điện tử e-learning; quản lý văn bằng chứng chỉ; quản lý thi nghề, thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT,...
“Đặc biệt, hiện nay chúng tôi đã xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu về trường, lớp, giáo viên, học sinh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên hệ thống này để kết nối, chia sẻ và liên thông đến cơ sở dữ liệu ngành ở Trung ương và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh phục vụ công tác báo cáo, thống kê, hoạch định chính sách và điều hành” - ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/124766/chuyen-doi-so-nganh-giao-duc-bai-1