Chuyển đổi số ngành Tư pháp tạo hiệu quả cao trong thực hiện các nhiệm vụ
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn hiện nay, ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai, từ đó tạo hiệu quả cao trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Sở Tư pháp thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể CCVC, người lao động về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nộp hồ sơ TTHC trực tuyến, tra cứu tiến độ giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử qua Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia... Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số bằng hình thức đăng tải các tin, bài trên Cổng thông tin điện tử thành phần của Sở.
Sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng văn bản, kế hoạch chi tiết để phân công, phối hợp thống nhất, rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các phòng, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; định kỳ kiểm tra, rà soát, tăng cường đôn đốc, gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số hằng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở.
Hiện 100% TTHC của Sở Tư pháp đủ điều kiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (toàn trình) trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sở triển khai và sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin và quản lý văn bản. 100% văn bản đi được sử dụng dưới dạng điện tử và ứng dụng chữ ký số; 100% văn bản đi, đến của Sở được gửi nhận dưới dạng văn bản điện tử trên hệ thống (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật). 100% CBCCVC được cấp hộp thư điện tử công vụ, chữ ký số và thường xuyên sử dụng trong việc trao đổi thông tin, tài liệu, văn bản. Sở tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo đúng quy trình ISO 9001:2015.
Năm 2024, trên cơ sở nội dung, phần việc đăng ký về số hóa thông tin, dữ liệu lý lịch tư pháp tồn đọng; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; trong quá trình triển khai, Sở kịp thời có văn bản gửi Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) đề nghị hỗ trợ xử lý, khắc phục đối với các dữ liệu hộ tịch chưa chuyển đổi được vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch.
Đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, Sở tiếp tục các bước để triển khai đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh. Sở đã có công văn gửi Sở TT&TT về việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin cho hệ thống Cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin; hoàn thiện dự thảo Quy chế cập nhật, khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh.
Quý I/2024, Sở Tư pháp thực hiện cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho 2.696 trường hợp (trong đó tiếp nhận trực tuyến 1.388 trường hợp); tiếp nhận 271 thông tin Lý lịch tư pháp do các đơn vị gửi đến; nhập thông tin án tích vào Hệ thống quản lý Lý lịch tư pháp dùng chung (phần mềm quản lý của Bộ Tư pháp) với 206 bản án và 375 quyết định; cung cấp 47 thông tin Lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các địa phương; lập Lý lịch tư pháp 128 hồ sơ. Sở đã trình UBND tỉnh công bố danh mục TTHC và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở; tiếp nhận 4.202 hồ sơ TTHC, giải quyết trước và đúng hạn 3.783/3.785 hồ sơ giải quyết xong.
Thời gian tới Sở tiếp tục tập trung thực hiện tốt các mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh, đảm bảo các mục tiêu được thực hiện kịp thời, đúng hạn; cung cấp hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch và lý lịch tư pháp; tăng cường giải quyết các TTHC thuộc các lĩnh vực của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đảm bảo 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn.
Theo Thanh Hoa (Báo Quảng Ninh)