Chuyển đổi số: Nhiều DN nhầm lần giữa 'tự động hóa' với 'thông minh hóa'

Đại đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số và không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa 'tự động hóa' – kết quả của ứng dụng CNTT với 'thông minh hóa' – kết quả ứng dụng công nghệ số.

Chuyển đổi số: Thông minh hóa sản xuất

Bà Bùi Thị Hải Yến, Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanel cho rằng nền kinh tế số là nền kinh tế hoạt động dựa trên phương thức sản xuất thông minh.

“Nói cách khác, đó là nền kinh tế ứng dụng công nghệ số để tạo ra các cơ chế tự động thông minh thay thế con người trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì thế mà năng suất lao động trong nền kinh tế số cao hơn trung bình gấp 3 - 4 lần so với năng suất lao động trong nền kinh tế truyền thống của chúng ta hiện nay”, bà Yến nêu.

Theo bà Yến, về thực chất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số chính là năng lực tạo ra năng suất lao động cao đột phá (không phải tăng thêm vài chục % mà là hàng trăm %). “Làm thế nào doanh nghiệp Việt Nam đạt được điều đó? Câu trả lời duy nhất là chuyển đổi số”, bà Yến nói.

Ở nước ta, trong kinh tế, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất, từ phương thức sản xuất thủ công - bán tự động sang phương thức sản xuất thông minh. Tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp hiện nay thành doanh nghiệp số với nội dung trọng tâm là thông minh hóa sản xuất kinh doanh và thông minh hóa quản lý doanh nghiệp.

“Ý nghĩa của cụm từ “thông minh hóa” ở đây là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các quy trình số có khả năng lựa chọn phương án tối ưu trong từng tình huống sản xuất kinh doanh cụ thể một cách tự động”, bà Yến nêu.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Ủy viên Ban chấp hành VCCI

Bà Bùi Thị Hải Yến, Ủy viên Ban chấp hành VCCI

Do có sự tham gia của các cơ chế tự động thông minh này vào quá trình sản xuất nên số lượng lao động giảm đi, trong khi hiệu quả sản xuất lại tăng lên rất cao nhờ khắc phục được những hạn chế của phương thức sản xuất truyền thống. Ví dụ như không tốn công sức thu thập dữ liệu, mà dữ liệu lại không đầy đủ (vì máy sẽ tự động thu thập mọi loại dữ liệu), xử lý được vụ việc tức thì ngay tại thời điểm diễn ra (điều này kinh tế truyền thống không làm được)...

Đa số DN chưa thực sự chuyển đổi số

Nói về sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, bà Yến cho rằng nên nghiêm túc nhận xét rằng đại đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số.

“Có hiện tượng khá phổ biến là không ít doanh nghiệp nhận thấy có những ứng dụng trước kia mình chưa làm, ví dụ làm việc trực tuyến, sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp (kiểu ERP)... thì nay thử áp dụng. Có doanh nghiệp thấy hiệu quả, hài lòng, nhưng cũng có doanh nghiệp không thấy hiệu quả và ngừng lại”, bà Yến nêu.

Doanh nhân này cũng dẫn ra Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chuyển đổi số cho biết gần 50% doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số.

“Sự kiện này cho chúng ta thấy điều gì? Có thể khẳng định rằng không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa “tự động hóa” - kết quả của ứng dụng CNTT với “thông minh hóa” - kết quả ứng dụng công nghệ số. Tất cả các doanh nghiệp “tạm ngừng chuyển đổi số” theo báo cáo nêu trên đều chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, mà là thử nghiệm áp dụng một vài sản phẩm điện tử hóa (hay tin học hóa). Những sản phẩm này không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp, mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có”, bà Yến nhấn mạnh.

Tóm lại, theo bà Yến, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo để chủ động dấn thân vào nền kinh tế số toàn cầu.

Chỉ khi hiểu đúng mới có thể làm đúng

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, theo bà Yến, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng.

Nhiều DN nhầm lần giữa “tự động hóa” với “thông minh hóa”

Nhiều DN nhầm lần giữa “tự động hóa” với “thông minh hóa”

Ngoài ra, cần giúp doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của mình. Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp chuyển dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành số của mình.

Tiếp theo, cần tham vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, thương mại số D2C, giải pháp kho thông minh, trợ lý số...) có thể giúp họ làm quen với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời.

“Khuyến khích và hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu về doanh nghiệp chuyển đổi số, ưu tiên một số lĩnh vực mà nhà nước đã chọn trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và logistics”, bà Yến chia sẻ và cho rằng khi gặp phải những vướng mắc về chính sách quy chế thì kịp thời kiến nghị với chính phủ để tháo gỡ, vì chuyển đổi phương thức sản xuất chắc chắn đụng chạm tới những vấn đề chưa có luật điều phối.

Bà Bùi Thị Hải Yến cũng nêu rõ, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi phương pháp tư duy và tập quán sản xuất kinh doanh đã hình thành từ nhiều chục năm, để đón nhận cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, theo bà Yến, mọi thách thức đều là nhỏ bé trước cơ hội “ngàn năm có một” của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nước ta, vì chỉ trong kỷ nguyên số chúng ta mới có cơ hội nhảy vọt nhờ ứng dụng công nghệ số, cho dù xuất phát từ vị trí nào trong nấc thang phát triển.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-doi-so-nhieu-dn-nham-lan-giua-tu-dong-hoa-voi-thong-minh-hoa-208027.html