Chuyển đổi số 'nóng' chuyện bảo mật: Muốn ngăn tin tặc không thể thiếu AI
Đi cùng với quá trình chuyển đổi số, câu chuyện về bảo mật và an ninh dữ liệu được xem là vấn đề quan trọng bậc nhất.
Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (21/3), các diễn giả tới từ các hiệp hội, doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số đã chia sẻ mối quan tâm và các giải pháp liên quan tới vấn đề bảo mật và an ninh dữ liệu.
Bryan Carroll - CEO Ngân hàng số TNEX chia sẻ, không gian mạng đang trở thành nơi nguy hiểm. Các tin tặc (hacker) chỉ cần may mắn một lần để xâm nhập hệ thống, trong khi chúng ta cần 100% trong mọi thời điểm để chống lại điều này. Trong bối cảnh đó, chúng tôi áp dụng chiến lược “không tin tưởng” (zero-trust). Nguyên lý chính của Zero Trust là yêu cầu tất cả người dùng, dù trong hay ngoài mạng của tổ chức, phải được xác thực, ủy quyền và liên tục xác nhận cấu hình và tư thế bảo mật trước khi được cấp hoặc giữ quyền truy cập vào các ứng dụng và dữ liệu.
“Bên cạnh đó, hiện tại, mọi cuộc tấn công mạng đều có sử dụng công nghệ AI. Theo đó, nếu không có AI, chúng ta không thể đối phó với các cuộc tấn công. Nhiều công ty lớn trên thế giới vẫn chưa nhận ra điều này. Tôi có thể đưa ra ví dụ, 1 người cần 4 giây để hoàn thành một thao tác nhất định. Chúng tôi áp dụng AI để cảnh báo khi có thao tác được thực hiện với tốc độ quá chậm hoặc quá nhanh so với mức này.
Một yếu tố khác quan trọng là quy trình phân loại dữ liệu. Chúng ta đang nói rằng dữ liệu là loại dầu mới (nguồn năng lượng mới), nhưng nó cũng có thể là thuốc nổ. Dữ liệu cần được thu thập, sắp xếp, phân loại, sử dụng và bảo vệ một cách bài bản. Cùng với đó, dữ liệu cũng cần quy trình đánh giá rủi ro. Nếu các cuộc tấn công liên tục diễn ra thì công tác bảo vệ, quản trị rủi ro cần thực hiện liên tục với sự hỗ trợ của tự động hóa, AI, robot…”, ông Bryan Carroll cho biết.
Hiện tại, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh và sâu rộng. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, VECOM có gần 600 hội viên, từ các doanh nghiệp làm thương mại trực tuyến, các sàn thương mại nổi tiếng, những tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán, các nhà mạng như VNPT, Mobifone, các công ty logictis…
“Chuyển đổi số đầu tiên xuất phát từ nhu cầu thị trường. Trong giai đoạn Covid, giao dịch trực tuyến tăng đột biến, sau đó giảm dần. Tuy nhiên, giai đoạn 2022 – 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn khoảng 15-18%. Đây là xu hướng thị trường xuất phát từ nhu cầu và nhận thức thay đổi”, ông Kiên nhận định.
Trong quá trình cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp đã có những cải tiến lớn, thúc đẩy chuyển đổi số để có thể phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh, phân phối lượng hàng hóa có thể lên tới con số hàng trăm nghìn mỗi ngày.
Trong quá trình đó, việc quản lý, kiểm soát rủi ro là cấp thiết. Về phía nhà cung cấp, ông Kiên cho rằng đã có các lớp bảo mật theo chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp trong chuỗi thương mại điện tử liên tục cập nhật các biện pháp bảo mật tiên tiến nhất. Về phía trung gian thanh toán, ngân hàng, biện pháp bảo mật của nhóm này cũng được đánh giá cao.
Tuy nhiên, về phía người dùng, đối tượng cuối tham gia quá trình, lại có nhiều rủi ro và cần có thêm các biện pháp tuyên truyền, đào tạo thêm kỹ năng về bảo mật.
“Có một lớp bảo vệ nữa trên thị trường là các công ty bảo hiểm và các sản phẩm - dịch vụ bảo hiểm liên quan tới giao dịch trực tuyến ngày càng phát triển”, ông Kiên cho biết.
Nhấn mạnh an ninh dữ liệu là cấp thiết, ông Madhav Joshi- Giám đốc, Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB cho biết, an ninh mạng là mối bận tâm không chỉ của ABB mà còn của hàng loạt khách hàng của Công ty.
“75% dữ liệu sẽ được xử lý bên ngoài doanh nghiệp, không được xử lý tại nguồn, do đó, cần biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu”, ông Madhav Joshi chia sẻ.