Chuyển đổi số ở Đà Nãng: Bài 2- Rào cản cần tháo gỡ
Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số, Đà Nẵng vẫn có những vấn đề giải quyết, tháo gỡ rào cản để công tác này có bước phát triển mới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực..., nhất là dữ liệu số hiện nay của thành phố còn rời rạc, chưa đảm bảo độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp; việc chia sẽ dữ liệu còn hạn chế.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, cơ chế chính sách, khung pháp lý chưa thay đổi kịp đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số.
Các hệ thống thông tin khi kết nối, chia sẻ dữ liệu cần đảm bảo nguyên tắc đồng đẳng, không phải nguyên tắc thứ bậc, áp đặt nhằm đảm bảo ổn định hệ thống của địa phương, tạo nguồn lực phát triển.
Song song đó, việc xây dựng thành phố thông minh hiệu quả cần triển khai một số mô hình mới. Tuy nhiên các mô hình này chưa có quy định cụ thể.
Đồng thời, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan Đà Nẵng mỏng, chưa đảm bảo năng lực trong tham mưu, triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2023, Đà Nẵng cần tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình.
“Vì vậy, Đà Nẵng phải thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, về dữ liệu số, Đà Nẵng cần triển khai để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để chuyển đổi số thực sự là động lực cho sự phát triển thành phố. Ngành xác định các nhiệm vụ chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác; bắt đầu sử dụng dữ liệu số thay cho hồ sơ giấy trong các dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kinh doanh...
Đà Nẵng cũng đang dần hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng./.
Mục tiêu của Đà Nẵng đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố (trong đó công nghiệp công nghệ thông tin chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố); ngành Công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tạo động để thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố.
Các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin có tính chất đột phá để tạo thị trường, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, sáng tạo, làm chủ công nghệ...
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-o-da-nang-bai-2-rao-can-can-thao-go/294546.html