Chuyển đổi số - phải chuyển đổi từ nhận thức đến hành động

Khái niệm chuyển đổi số đã dần trở nên phổ biến, tuy nhiên, có một thực tế là còn không ít người vẫn chưa hiểu được thực chất của chuyển đổi số là gì? Vậy nên, để chuyển đổi số thành công, bên cạnh các yếu tố về công nghệ, trước hết cần chuyển đổi nhận thức. Từ nâng cao nhận thức, trách nhiệm để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động, xem chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc trong thực hiện nhiệm vụ, trong ứng dụng vào cuộc sống.

Thực tế thời gian qua cho thấy, ở các ngành, lĩnh vực, địa phương của tỉnh Quảng Trị đang “bắt nhịp” với công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội gắn với thực hiện các mục tiêu đột phá chiến lược. Các nền tảng chuyển đổi số được củng cố và phát triển trên tất cả 6 phương diện: thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ số, kỹ năng số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận như chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị được cải thiện, các điểm số thành phần về nhận thức số, thể chế số và hạ tầng số đều tăng đáng kể. Đến nay, 92,7% hộ gia đình có người dùng điện thoại thông minh, tỉ lệ người sử dụng internet (cố định và di động) đạt 103,97%; tỉ lệ hộ gia đình có kết nối internet đạt 72,595%; 100% cơ quan nhà nước có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Kho cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung tỉnh đã được triển khai tại địa chỉ https://datamine.quangtri. gov.vn và đã tích hợp CSDL cấp giấy phép lái xe của Sở Giao thông vận tải, CSDL giá của Sở Tài chính và CSDL đánh giá xếp loại DTI của Sở Thông tin và Truyền thông về kho CSDL dùng chung tỉnh.

Nhiều CSDL chuyên ngành của tỉnh đã được triển khai tích hợp với CSDL của các bộ, ngành trung ương như y tế, giáo dục; các CSDL về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, thương binh và xã hội, đất đai, về giá, đăng ký doanh nghiệp...đến nay cũng đã tích hợp, kết nối liên thông với Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh.

Về con người phục vụ chuyển đổi số: 100% các sở, ban, ngành, địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tham mưu công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin. Đã có 100 xã và 715 thôn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với 4.327 thành viên tham gia.

100% cơ sở khám chữa bệnh và 100% trường học, cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh có 285.394 hồ sơ định danh điện tử, trong đó có 189.631 tài khoản đã được kích hoạt, có 487.083 tài khoản thanh toán đang hoạt động, tỉ lệ bình quân dân số có tài khoản thanh toán ước đạt trên 65% (mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 35%).

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tiến trình chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn không ít tồn tại, rào cản. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò của công nghệ thông tin và chuyển đổi số chưa thực sự đầy đủ; nhiều chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước chậm ban hành và chưa được thực hiện một cách triệt để. Đến nay, tỉnh chưa ban hành chính sách ưu tiên bố trí 1% ngân sách hàng năm cho chuyển đổi số. Nguồn lực về tài chính, con người, hạ tầng triển khai chuyển đổi số tại cấp huyện và cấp xã còn thiếu và yếu.

Vai trò của chuyển đổi số đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và có thể đưa ra mô hình kinh doanh mới...Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì đến nay toàn tỉnh Quảng Trị chỉ có 737 doanh nghiệp công nghệ số trên tổng số hơn 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động.

Công tác đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông còn gặp khó khăn do việc quy hoạch hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ. Hiện nay, tại địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh vẫn còn 9/799 thôn, bản trắng sóng (chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định và internet băng rộng di động); 35/799 thôn, bản chưa có dịch vụ internert băng rộng cố định.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương với IOC tỉnh còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu...

Để tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và phát triển KT - XH ở địa phương, đơn vị. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện CSDL chuyên ngành và yêu cầu tích hợp về kho CSDL dùng chung của tỉnh để làm giàu dữ liệu cho tỉnh.

Có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh triển khai thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Tăng cường bố trí đủ kinh phí để các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chuyen-doi-so-phai-chuyen-doi-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-186693.htm