Chuyển đổi số phải hướng tới người dân
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu đôn đốc việc kết nối, chia sẻ tài liệu số hóa giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, địa phương với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Chỉ đạo này xuất phát từ thực tế là đến cuối tháng 7-2023 mới có 3 bộ (Giao thông - Vận tải, Tư pháp, Nội vụ) và 11/63 địa phương (Cần Thơ, Bình Định, Hòa Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lào Cai, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Bến Tre, Quảng Nam) hoàn thành việc kết nối.
Đáng chú ý, trong số các bộ chưa hoàn thành kết nối, có những bộ quản lý lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân như Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội. Còn trong số 52 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ tài liệu số hóa giữa hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia có những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh.
Việc kết nối, chia sẻ tài liệu số hóa giữa hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia là một khâu quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” giải quyết thủ tục hành chính, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số… Thực chất, đây là hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việc chậm kết nối, chia sẻ dữ liệu ít nhiều đều ảnh hưởng tới tiến độ công việc và mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra và hơn hết là chưa đáp ứng được tiến trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, xã hội số.
Ngày 23-2-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Để hoàn thành nhiệm vụ này, các đơn vị chức năng phải rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh, trên cơ sở sử dụng kết quả, hồ sơ thủ tục hành chính đã được số hóa tại các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm hạ tầng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân khai thác dữ liệu đã tích hợp thông suốt, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo các đơn vị phải quyết liệt chỉ đạo, hành động; phải thấy rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị và ý nghĩa của việc cải cách trong tiến trình chuyển đổi số và phát triển đất nước.
Chuyển đổi số nói chung, xây dựng chính phủ số nói riêng là việc khó, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thường xuyên, liên tục. Với dịch vụ công đã cung cấp trực tuyến, phải thường xuyên đánh giá, rà soát nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; gắn số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa... Khi thấy thuận lợi, người dân sẽ tích cực tham gia xây dựng chính quyền số.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-so-phai-huong-toi-nguoi-dan-637094.html