Chuyển đổi số tại Hà Nội: Đổi mới toàn diện, triệt để

Nhận thức về tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tại Hà Nội có sự chuyển biến rõ rệt.

Thông suốt tư tưởng, thống nhất hành động

Chiều 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06.

Tại điểm cầu Hà Nội, phát biểu tham luận, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với báo cáo kết quả Chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp.

Đối với TP. Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo và sự ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời của các bộ, ban, ngành Trung ương, công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, với sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị thành phố, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, với sự đồng thuận, thông suốt tư tưởng, thống nhất trong hành động, tạo khí thế, phong trào thi đua trên toàn địa bàn thành phố với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tham luận tại điểm cầu Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tham luận tại điểm cầu Hà Nội.

Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo (Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06) thành một Ban chỉ đạo duy nhất do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm Trưởng ban và triển khai mô hình này ở tất cả các cấp, đồng thời tổ chức, triển khai hoạt động của 5.034 tổ chuyển đổi số cộng đồng (với hơn 30.000 thành viên tại cơ sở).

Cùng với đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển các hệ thống nền tảng quan trọng trong công tác quản lý như xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp, triển khai phòng họp thông minh không giấy tờ (iCabinet)

Một kết quả nổi bật nữa đó là TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công với phương châm hoạt động “hành chính thông minh - tận tâm phục vụ”; hướng tới 3 phi “phi địa giới hành chính - phi trung gian - phi vật chất”.

Tháng 11/2024, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã xây dựng Đề án và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố. Đây là bước đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa”, nâng cao hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiếp tục triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền gắn với tái cấu trúc các TTHC trên địa bàn thành phố, trong đó đã: Thực hiện phân cấp, ủy quyền gần 600 thủ tục hành chính; tập trung tái cấu trúc 150 TTHC thiết yếu, phát sinh nhiều hồ sơ, nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng số

Đáng chú ý, TP. Hà Nội cũng đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng số để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp như việc khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu chính thành phố trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây hiện đại với hơn 300 hệ thống ứng dụng của thành phố được di trú và bảo đảm an toàn thông tin, kết nối với 14 hệ thống thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cũng cho biết, thành phố đã chủ động đăng ký với Trung ương và tiên phong thí điểm thành công nhiều tiện ích số phục vụ người dân, doanh nghiệp như triển khai thành công mô hình Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố áp dụng CCCD để tra cứu thông tin khi khám chữa bệnh BHYT.

Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thực hiện thu thuế điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác hỗ trợ người nộp thuế: Năm 2024 thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt gần 40.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Phát triển ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), nơi người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập và tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực.

“Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, thời gian tới, TP. Hà Nội rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo và sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương bạn; đồng thời, cũng rất mong Trung ương tiếp tục quan tâm, tin tưởng và lựa chọn TP. Hà Nội để triển khai thêm nhiều mô hình thí điểm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nói.

Việc xây dựng Đề án và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội được đánh giá là bước đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa”, nâng cao hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.

Phong Vân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-tai-ha-noi-doi-moi-toan-dien-triet-de-372610.html