Chuyển đổi số tạo động lực phát triển

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, để bắt nhịp với xu thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, do đó tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo ba trục: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao nhận thức của người dân để tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số, tạo động lực cho sự phát triển.

Kho bạc Nhà nước tỉnh phát triển hệ thống CNTT đồng bộ, triển khai có hiệu quả các phần mềm ứng dụng hiện đại, hướng tới mục tiêu kho bạc số.

Đồng bộ trên các lĩnh vực

Để thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng số, trong đó triển khai thí điểm phát sóng thông tin di động công nghệ 5G tại thành phố Việt Trì. Toàn tỉnh 80,07% dân số có điện thoại thông minh, 72,56% gia đình có đường Internet cáp qua băng rộng. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh, cung cấp 1.499 dịch vụ công trực tuyến, đạt 75,8%. Trong quý I/2023, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 120 nghìn hồ sơ, trong đó có hơn 69 nghìn hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.

Năm 2022, năm đơn vị dẫn đầu trong bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các sở, ban, ngành gồm: Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh và BHXH tỉnh; năm địa phương dẫn đầu trong bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các huyện, thành, thị là: Thị xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Lâm Thao, Tân Sơn và thành phố Việt Trì.

Cùng với đó, các ngành, lĩnh vực của tỉnh đều đang chuyển mình trên không gian số, ngày càng nhiều người tiếp cận với phương thức sản xuất mới, các dịch vụ mới... Các sở, ngành của tỉnh tích cực triển khai các giải pháp, tổ chức ra quân hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm kê khai, nộp thuế điện tử, thực hiện khai báo hải quan điện tử, kho bạc điện tử, bảo hiểm điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng… đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin Quốc gia. Trong năm 2022, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, có hơn sáu triệu lượt truy cập các sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh (Postmart, Voso; Giaothuong.net...) Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã đồng loạt triển khai nhận hồ sơ qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân giải quyết TTHC, thanh toán phí khám chữa bệnh, nộp tiền học phí nhanh chóng, thuận tiện, 100% các cơ quan, đơn vị đã phát sinh hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt.

Là ngành có sự ảnh hưởng, tác động đến số đông người dân trong tỉnh, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT, ngành Y tế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). 100% các cơ sở KCB tỉnh/huyện/xã, các bệnh viện tư nhân, bệnh viện ngành trên địa bàn đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS; 100% các cơ sở KCB tỉnh/huyện triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm LIS, phần mềm lưu trữ, truyền tải hình ảnh trên hệ thống PACS. Các phần mềm HIS, LIS, PACS kết nối liên thông hai chiều với nhau để hỗ trợ và thực hiện tác nghiệp về KCB hoàn toàn trên môi trường mạng, nhiều cơ sở y tế triển khai thực hiện bệnh án điện tử, thực hiện đăng ký, đặt lịch khám online, sử dụng thẻ KCB thông minh... Hiện nay đã có 20 cơ sở triển khai KCB bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho gần 5.000 lượt người.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Minh Khánh cho biết: Triển khai bệnh án điện tử, tiến tới thay thế hoàn toàn bệnh án giấy trong các cơ sở KCB có thể coi là một trong những đột phá về chuyển đổi số của y tế Phú Thọ, Bên cạnh đó, toàn ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng hệ thống TeleHealth hội chẩn, tư vấn, hỗ trợ KCB từ xa tại tất cả các cơ sở KCB của tỉnh, kết nối liên thông kê đơn thuốc điện tử của cơ sở KCB (phần mềm kê đơn thuốc điện tử) và cơ sở bán lẻ thuốc với phần mềm quản lý dược Quốc gia tại 100% cơ sở bán lẻ thuốc trong toàn tỉnh.

Cùng với đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã triển khai sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng chuyên ngành để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Nền tảng xây dựng Chính phủ số...

Để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số bền vững, thực chất, đồng bộ, dữ liệu số là yếu tố quyết định, là nền tảng để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số.

Tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu hướng, xu thế không thể đảo ngược, có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội. Chuyển đổi số phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn xã hội, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số. Về thực hiện Đề án 06 (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”), Thủ tướng nhấn mạnh: Dữ liệu dân cư là tài nguyên quý của quốc gia, do đó phải thể chế hóa để biến nguồn tài nguyên này thành nguồn lực, động lực của đất nước trong kỷ nguyên số, cần tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết TTHC.

Triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 15/2/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 654/KH-UBND ngày 02/3/2022 triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh; triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện. Theo đó, tỉnh Phú Thọ đang cung cấp 1.967 dịch vụ công (DVC), trong đó có 467 DVC mức hai, 805 DVC mức ba, 695 DVC mức bốn. Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện nhóm phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư (DLDC), định danh và xác thực điện tử phục vụ năm nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVC trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo điều hành.

Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là nền tảng để xây dựng công dân số, hiện nay toàn tỉnh đã cấp mới gần 1,2 triệu thẻ CCCD, đạt hơn 97%, tổ chức thu nhận gần 400 nghìn tài khoản định danh điện tử mức hai cho công dân. Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dữ liệu dân cư thường xuyên được cập nhật, chỉnh sửa, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và bổ sung, làm giàu thông tin tích hợp dữ liệu an sinh xã hội, dữ liệu đối tượng quản lý, dữ liệu hội viên các đoàn thể, dữ liệu người được hưởng chính sách...

Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VneID đăng nhập Cổng DVC quốc gia để thực hiện các thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến, khai thác tiện ích của ứng dụng VNEID, thẻ CCCD gắn chip thông qua quét mã QR code, đọc thông tin trên chip điện tử, không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, tài liệu thông tin đã được tích hợp, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-tao-dong-luc-phat-trien/192288.htm