HALCOM Việt Nam: Lợi nhuận dương thành âm, giá cổ phiếu không bằng 'mớ rau'

Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của HALCOM Việt Nam (HID) 'bốc hơi' 12,5 tỷ đồng từ dương 50 triệu đồng thành âm 12,5 tỷ đồng. Không chỉ vậy, cổ phiếu trên sàn chỉ giao dịch quanh vùng giá 3.000 đồng/cp – không bằng một 'mớ rau'.

Công ty cổ phần HALCOM Việt Nam mới công bố tình hình tài chính kiểm toán hợp nhất của năm tài chính 2023. Được biết, HALCOM Việt Nam là đơn vị có kỳ báo cáo năm 2023 là từ 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024.

Theo đó, HALCOM Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu hơn 315 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm tài chính 2022, lợi nhuận sau thuế ở mức âm 12,5 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là âm 19,3 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của HALCOM Việt Nam ‘bốc hơi’ 12,5 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của HALCOM Việt Nam ‘bốc hơi’ 12,5 tỷ đồng.

Đáng nói, so với Báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập và báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Kiểm toán UHY thì hàng loạt chỉ số được điều chỉnh. Cụ thể, giá vốn hàng bán điều chỉnh tăng 893 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11,8 tỷ đồng, chi phí khác tăng gần 392 triệu đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh từ dương 50 triệu đồng thành âm 12,5 tỷ đồng.

HALCOM Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do giá bán hàng tăng 900 triệu đồng vì doanh nghiệp chưa kết chuyển chi phí dự án đang chờ chủ trương và chưa biết thời gian thực hiện. Cùng với đó, chi phí doanh nghiệp tăng 11,8 tỷ đồng là do các chi phí marketing, chi phí tìm kiếm hợp đồng một số dự án chưa được hạch toán đúng chuẩn mực kế toán.

Tại 31/3/2024, HALCOM Việt Nam sở hữu tổng tài sản lên đến 1.645 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 01/4/2023. Trong đó, 65% tổng tài sản là tài sản dài hạn với 850 tỷ đồng tài sản cố định, gần 60 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn và 105 tỷ đồng đầu tư tài chính vào công ty liên doanh, liên kết.

Tài sản ngắn hạn tại 31/3/2024 đạt 571 tỷ đồng, trong đó, 546 tỷ đồng phải thu ngắn hạn. Đáng chú ý, phải thu từ khách hàng là 3 cá nhân Nguyễn Việt Nam, Vũ Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Hiển đã đạt 117 tỷ đồng, cùng với đó, là khoảng 188 tỷ đồng đặt cọc mua 99,952% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển An Thuận Phát.

Tính đến 31/3/2024, HALCOM Việt Nam có vốn chủ sở hữu là 930 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm tài chính 2023.

Đồng thời doanh nghiệp phải trả dài hạn Sở Tài Chính Bắc Ninh là 60,8 tỷ đồng, đây là phần tiền hỗ trợ Ngân sách nhà nước tại Dự án cấp nước tại thị trấn Hồ và dự án cấp nước tại xã Gia Đông, và phải hoàn trả theo tỷ lệ khấu hao tài sản.

Tại 31/3/2024, HALCOM Việt Nam sở hữu 6 công ty con bao gồm: Công ty cổ phần phát triển Đô thị Cần Thơ, Công ty cổ phần Phong điện Miền Trung, Công ty cổ phần Nước Thuận Thành, Công ty cổ phần VSED, Công ty cổ phần Điện gió HALCOM - Quảng Bình và Công ty cổ phần Điện mặt trời HALCOM - Hậu Giang.

Đáng chú ý, Điện gió HALCOM- Quảng Bình được thành lập từ năm 2021, với vốn điều lệ là 130 tỷ đồng, trong đó, HALCOM Việt Nam góp 96,15%, ông Vũ Mạnh Tuấn góp 3,08% và ông Hoàng Quốc Anh góp 0,77%. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 31/3/2024, chưa cổ đông nào thực hiện góp vốn.

Tương tự, tại CTCP Điện mặt trời HALCOM - Hậu Giang được thành lập từ năm 2021, vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trong đó, HALCOM Việt Nam góp 98%, ông Nguyễn Việt Dũng góp 1%, ông Phùng Ngọc Sơn góp 1%. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/3/2024, chưa cổ đông nào thực hiện góp vốn.

Thêm nữa, ngày 24/4/2024, CTCP nước Thuận Thành bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản số tiền gần 300 triệu đồng (297.663.481 đồng). Nguyên nhân là do nước Thuận Thành không chấp hành Quyết định xử phạt hành chính về thuế và nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày đến thời hạn nộp theo quy định. Liên quan đến nội dung này, phía HALCOM đã khẳng định với VnBusiness rằng Công ty nước Thuận Thành đã nộp trực tiếp trước thời hạn yêu cầu của cơ quan Thuế.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của VnBusiness, mặc dù Quyết định của cơ quan Thuế ban hành ngày 24/4/2024 đã hết hiệu lực sau ngày 23/5/2024, thì ngày 26/6/2024 CTCP nước Thuận Thành tiếp tục bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản với số tiền lên tới 566.586.115 đồng.

Được biết, mỗi quyết định cưỡng chế thuế chỉ có thời hạn 01 tháng. Hết 01 tháng mà doanh nghiệp vẫn còn nợ trong thời gian trên 90 ngày thì cơ quan thuế tiếp tục ban hành quyết định kế tiếp.

Trước đó, tháng 10/2023, HALCOM đã mua thành công 6,5 triệu cổ phiếu của nước Thuận Thành. Theo đó, tỷ lệ biểu quyết của HALCOM Việt Nam tại nước Thuận Thành là 93,61%.

HALCOM Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Thăng Long, tổng số nhân viên tại 31/3/2024 chỉ hơn 30 người. Hoạt động chính là kinh doanh thương mại, sản xuất điện, sản xuất nước và cung cấp dịch vụ kiến trúc, tư vấn kỹ thuật có liên quan.

Trên thị trường, cổ phiếu HID cũng không khá khẩm hơn là bao. HID lên sàn từ năm 2016 song hành cùng tổ hợp giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Nhưng cuộc vui chưa được bao lâu thì chuỗi ngày lao dốc đã bắt đầu vào cuối năm 2016 khi đạt đỉnh ở mức 28,000 đồng/cp. Sau khi giảm mạnh từ đỉnh, giai đoạn 2017-2019, cổ phiếu HID ì ạch quanh mức giá 3.000 đồng/cp, kèm theo thanh khoản cũng èo uột.

Đáng chú ý, trong năm 2018, cổ phiếu HID chứng kiến đà lao dốc với 9 phiên giảm sàn liên tiếp sau thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt một cá nhân thao túng giá cổ phiếu HID trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2016 đến 30/3/2017.

Cho tới năm 2021, VN-Index có những cú bứt phá, hàng loạt nhóm cổ phiếu đua nhau khởi sắc, cổ phiếu HID cũng không đứng ngoài cuộc vui và bắt đầu đà tăng “nóng” rồi đạt đỉnh tại mức 7.160 đồng/cp (13/07/2021). Tuy nhiên sau đó cổ phiếu bắt đầu điều chỉnh giảm và hiện tại vẫn đang giao dịch quanh vùng giá 3.000 đồng/cp – không bằng một “mớ rau”.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/halcom-viet-nam-loi-nhuan-duong-thanh-am-gia-co-phieu-khong-bang-mo-rau-1100964.html