Chuyển đổi số tối đa để nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan

Công cuộc chuyển đổi số của ngành Hải quan đã và đang được triển khai rất quyết liệt. Thời gian này, toàn ngành đang triển khai nhiều giải pháp để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh. Điều này không chỉ để thực hiện 'tham vọng' đưa Hải quan Việt Nam phát triển ngang tầm các nước hiện đại trên thế giới, mà cốt lõi để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.

Đặt chỉ tiêu cụ thể

Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cũng như phù hợp với chủ trương, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ, của Bộ Tài chính; ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0; xu hướng phát triển của cơ quan Hải quan các nước phát triển trên thế giới và mô hình phát triển hải quan số do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đưa ra, Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai quyết liệt các nội dung công việc liên quan đến chuyển đổi số.

Trong công cuộc đó, ngành Hải quan đang phấn đấu đến năm 2025 phát triển Hải quan số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Một số chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra. Đó là: 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có sự phù hợp về kỹ thuật, công nghệ và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% thủ tục hành chính cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia. 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Triển khai thành công hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan và cả cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ cho phép doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ.

Đồng thời, thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics; được sử dụng phần mềm khai báo miễn phí do cơ quan hải quan cung cấp; chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia; dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng.

Đáng chú ý, hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mua phần mềm. Theo Tổng cục Hải quan, với số lượng 92.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm, dự kiến trong thời gian 5 năm, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ tiết kiệm được khoảng 920 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng được cung cấp nhiều tiện ích với hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh. Đó là, thực hiện thủ tục hành chính (cấp phép, kiểm tra chuyên ngành,...) liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên một hệ thống, qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng phần mềm.

Khối lượng công việc khổng lồ

Thông qua hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh, các thông tin liên quan đến các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu sẽ được chia sẻ mà không phải đề nghị cơ quan hải quan cung cấp khi phát sinh; quản lý các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan và sau khi thông quan.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng tới Hải quan số dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo nền tảng cho cơ quan hải quan tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang Hải quan số hiện đại tại Việt Nam.

Định hướng phát triển kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số là: xây dựng, hoàn thiện nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu để triển khai các dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ điện tử theo mô hình quản lý tập trung, hội tụ tài nguyên, sử dụng giải pháp công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, dữ liệu lớn.

Theo ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), để thực hiện thành công chuyển đổi số, hướng tới Hải quan số, khối lượng công việc đặt ra với toàn ngành là rất lớn. Cụ thể, phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; phát triển các nền tảng về công nghệ thông tin; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực,...

Ngoài ra, phải thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của hải quan các nước tiên tiến nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong xây dựng và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin hải quan.Về tổ chức thực hiện, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành và quản lý việc tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan để thực hiện hiệu quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan.

Đánh giá tổng thể cửa khẩu, cảng, kho, bãi hướng tới mô hình Hải quan thông minh

Theo đánh giá của Cục Giám sát quản lý về hải quan, thời gian qua, việc triển khai hệ thống giám sát tự động đã được áp dụng tại Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bước đầu đã quản lý được qua việc trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trên hệ thống một cửa quốc gia. Kết nối thông tin hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng với hệ thống VASSCM, người khai hải quan đến nhận hàng gần như không phải làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, giúp doanh nghiệp giảm chí phí hồ sơ, chứng từ bản giấy, giảm chi phí đi lại, giảm phiền hà từ việc làm thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại.

Tuy vậy, tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và địa điểm vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác quản lý, giám sát hàng hóa, chưa thực hiện xây dựng, bổ sung kho, bãi, cảng nhằm đáp ứng việc phân tách riêng biệt khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với khu vực lưu giữ hàng hóa nội địa; chưa hoàn thiện bổ sung điều kiện tại kho, bãi, địa điểm theo quy định của pháp luật.

Về công tác giám sát đường bộ, để tăng cường đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, đặc biệt là với hàng bách hóa tiêu dùng, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn theo đó, yêu cầu người khai phải thực hiện khai báo thông tin trước khi hàng hóa đến cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa…

Việc hiện đại hóa quản lý cửa khẩu, cảng, kho, bãi đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên để tiếp tục đáp ứng yêu cầu quản lý, cũng như đồng bộ công tác hiện đại hóa hướng tới mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục có sự rà soát, đánh giá thực trạng trong phạm vi toàn ngành.

Việc đánh giá tổng thể hoạt động cửa khẩu, cảng, kho, bãi, địa điểm sẽ giúp cho Tổng cục Hải quan có căn cứ đánh giá thực trạng tại các cửa khẩu, cảng, kho bãi, địa điểm, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu và kế hoạch đầu tư trang thiết bị phục vụ đề án Mô hình hệ thống Hải quan thông minh trong thời gian tới, đảm bảo công tác giám sát quản lý hoạt động hải quan của cơ quan Hải quan tại các khu vực của khẩu, cảng, kho, bãi, địa điểm.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-doi-so-toi-da-de-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-hai-quan-102119.html