Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất: Lợi ích từ '3 giảm'
Không chỉ giảm thiểu thời gian, chi phí và lỗi trong quá trình sản xuất, chuyển đổi số trong DN sản xuất còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Sáng 22/3, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ban Công nghiệp số Siemens Việt Nam tổ chức hội thảo: “Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo thông qua các ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất”. Mục đích của hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, tăng tốc quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thông qua các dịch vụ và giải pháp cụ thể của Siemens.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết: Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để tận dụng được những cơ hội đó, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Hiện nay, ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng cần phải triển khai với kế hoạch cụ thể và thiết kế sao cho phù hợp với đặc tính của từng ngành và của từng doanh nghiệp.
Tại hội thảo, doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận và trải nghiệm thực tế các giải pháp công nghệ mới nhất hiện nay như: Mechanical Design (thiết kế cơ khí); VR (Công nghệ thực tế ảo); Electrical Design (thiết kế điện); Product Data Management (quản lý dữ liệu sản phẩm); Scan 3D (quét 3D); Process Simulation (mô phỏng quy trình); Plant Design & Optimization (thiết kế và tối ưu hóa); APS (lập kế hoạch và điều độ nâng cao); IoT (Internet vạn vật);…
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chỉ ra những lợi ích của việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình sản xuất thực tế mà doanh nghiệp đã áp dụng. Trong đó, những lợi ích thiết thực nhất mà doanh nghiệp sản xuất có được nhờ áp dụng chuyển đổi số đó là giảm thiểu được chi phí, thời gian và sản phẩm lỗi, hỏng trong quá trình sản xuất.
Cùng với đó, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, và mở ra những cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận khách hàng cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các phần mềm chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó có không ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, ông Võ Hồng Kỳ - Giám đốc bộ phận Phần mềm công nghiệp, Ban Công nghiệp số của Siemens cho biết: Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp phát hiện ra sản phẩm lỗi, hỏng trong quá trình sản xuất nhờ ứng dụng phần mềm, giúp doanh nghiệp có thể phân tích, khắc phục một cách nhanh chóng trong một thời gian ngắn thay vì phải mất tới vài tháng như trước đây. Việc xử lý nhanh chóng các sản phẩm lỗi, hỏng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo ông Võ Hồng Kỳ, những công nghệ của Siemens cung cấp hiện nay rất dễ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nên không đòi hỏi người sử dụng cần phải có chuyên môn về công nghệ. Đây cũng là một thuận lợi cho doanh nghiệp khi áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.
Là một trong những doanh nghiệp áp dụng thành công chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẻ tại hội thảo ông Nguyễn Xuân Khoa - Giám đốc Công nghệ thông tin - Tập đoàn TH Truemilk cũng đưa ra những lợi ích của chuyển đổi số mà doanh nghiệp sản xuất có thể đạt được. Đồng thời cho biết, chuyển đổi số là cơ hội, song đồng thời cũng là thách thức đối với doanh nghiệp hiện nay.
Như vậy, chuyển đổi số đang đóng một vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, nhiều đánh giá hiện nay cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sản xuất nói riêng dường như vẫn chưa thật sự chú trọng, cũng như hiểu rõ được vai trò của chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyên nhân bên cạnh yếu tố về chi phí đầu tư, ngại đổi mới thì yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực vẫn được coi là "rào cản" của chuyển đổi số. Theo đó, để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì bản thân những người đại diện cho doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ vai trò, lợi ích của chuyển đổi số và coi đó là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Theo các chuyên gia, năm 2023 sẽ là một năm đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm... Bởi vậy các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. Xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy bởi điều đó. Chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, nền công nghiệp 4.0 là một trong những xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023.