Chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại Hà Nội - Động lực và những vấn đề đặt ra - Bài 1: Hiệu quả từ chuyển đổi số

LTS: Trong kỷ nguyên của công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) được xem là yếu tố tiên quyết, đột phá để đưa đất nước ta phát triển toàn diện về mọi mặt. Là trung tâm văn hóa-kinh tế của cả nước với hơn 8,5 triệu dân, những năm qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng CĐS vào hoạt động giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, thách thức phải vượt qua để CĐS thực sự là công cụ hữu ích giúp hoạt động cải cách TTHC của Hà Nội đạt hiệu quả tối ưu.

Những năm qua, được sự quan tâm của TP Hà Nội, trụ sở UBND tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô đã được đầu tư khang trang, hiện đại hơn.

Tại nhiều quận, huyện, hệ thống máy móc, phần mềm được trang bị đồng bộ và phát huy hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian, công sức của người dân cũng như cán bộ xử lý hồ sơ trong giải quyết TTHC.

Dân không cần mang nhiều giấy tờ

“Các đồng chí đợi tôi một chút nhé”, chị Nguyễn Thị Dư, cán bộ giải quyết TTHC phường Xuân La, quận Tây Hồ cất giọng khi thấy chúng tôi đến theo lịch hẹn làm việc. Chị Dư cùng một cán bộ khác trong bộ phận một cửa đang tất bật hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC. Hướng dẫn xong một sinh viên xác nhận hồ sơ để xin việc, chị Dư vội ra khỏi bàn làm việc, bước nhanh đến dãy bàn đang kê hai bộ máy tính cùng nhiều trang thiết bị kèm theo như máy in, máy scan để hỗ trợ một công dân khác tra cứu thông tin trực tuyến. Bên trong căn phòng tiếp dân có diện tích khoảng 40m2, 3 hàng ghế chờ đã chật kín người ngồi...

Khi công dân cuối cùng bước ra khỏi cửa, chúng tôi mới được gặp và trò chuyện với chị Dư, lúc đó đồng hồ đã điểm 19 giờ. “Mặc dù thời gian tiếp công dân đã hết từ lâu nhưng vì số lượng người dân đến làm TTHC rất đông, với trách nhiệm của một cán bộ phường, dù có mệt nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm phục vụ người dân, để bà con không phải đi lại nhiều lần”, chị Dư chia sẻ.

Cán bộ phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Cán bộ phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Gắn bó với công việc đã nhiều năm, theo chị Dư, thời gian gần đây, nhờ công tác CĐS, hoạt động giải quyết hồ sơ của người dân tại phường Xuân La đã có nhiều chuyển biến tích cực và thuận lợi hơn, công dân không cần mang theo nhiều loại giấy tờ mà vẫn có thể hoàn thành các TTHC. Ví dụ, ngày trước, khi sinh viên đến làm xác nhận sơ yếu lý lịch thì phải mang theo sổ hộ khẩu, căn cước công dân, bây giờ thì chỉ cần có thông tin định danh điện tử là đã có thể giao tiếp, làm việc với cán bộ phường.

Thời gian qua, UBND phường Xuân La đã đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CĐS thông qua các phần mềm giải quyết TTHC, đem lại sự hiệu quả, tiện lợi cho chính quyền và toàn bộ người dân trên địa bàn phường. Đồng chí Trịnh Minh Hiếu, Phó chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết, bên cạnh triển khai các phần mềm dịch vụ công quốc gia, phần mềm giải quyết TTHC của TP Hà Nội, phường Xuân La đã thực hiện số hóa hơn 13.500 hộ tịch trên địa bàn. Với lĩnh vực y tế, phường Xuân La đã thực hiện lập sổ khám sức khỏe điện tử đạt 90% trên tổng số hơn 30.000 công dân của phường. Đơn vị cũng đang triển khai áp dụng CĐS trong học bạ điện tử tại Trường THCS Xuân La. Bên cạnh đó, phường Xuân La cũng là đơn vị đi đầu trong việc lập chữ ký số cho người dân, đến nay đã đạt 1.400 chữ ký số trên tổng số 1.300 chỉ tiêu quận giao. “Với chữ ký số, người dân không nhất thiết phải đến trụ sở bộ phận một cửa mà có thể thực hiện TTHC trực tuyến ngay tại nhà”, đồng chí Trịnh Minh Hiếu nhận định.

Cũng trên địa bàn quận Tây Hồ, phường Nhật Tân là một trong những địa phương tiên phong thực hiện CĐS trong các hoạt động. Đánh giá hoạt động giải quyết TTHC là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 vì đây là nội dung liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân, vì vậy, UBND phường đã lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm, trách nhiệm và ứng xử khéo léo để phục vụ công tác hỗ trợ giải quyết thủ tục cho người dân. Nhờ đó, kết quả giải quyết TTHC của phường có chuyển biến tích cực theo thời gian. Số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 năm 2022 đạt 738 hồ sơ, năm 2023 đạt 830 hồ sơ và tính đến tháng 8-2024 đã đạt 624 hồ sơ.

Đẩy mạnh kết nối, liên thông dữ liệu

Hà Nội là trung tâm kinh tế của cả nước nên việc ứng dụng CĐS vào giải quyết TTHC luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố chú trọng quan tâm. Vì vậy, từ cuối năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27-9-2023 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hằng năm, TP Hà Nội đều cập nhật các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về CĐS và ban hành các kế hoạch năm để triển khai thực hiện.

Nhận định CĐS có 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cho biết, liên quan đến trụ cột chính quyền số, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin giải quyết TTHC liên thông 3 cấp. Đây là hệ thống xương sống của chính quyền số, cung cấp những dịch vụ hành chính công cho người dân trên môi trường internet, nhờ đó, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công toàn trình (không có tiếp xúc, gặp gỡ giữa người dân và cán bộ, nộp hồ sơ qua mạng và trả hồ sơ qua bưu điện) chiếm khoảng 30%. Hà Nội cũng đã thành lập một tổ công tác về tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC sao cho ngày càng ngắn gọn, tối ưu cho cả người dân và công chức.

Theo đồng chí Nguyễn Việt Hùng, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết quy định về mức thu phí, lệ phí bằng không áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, Hà Nội cũng đang triển khai rất tích cực, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ thuộc Đề án 06 và được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Là cơ quan trực tiếp phối hợp, hỗ trợ các địa phương để thực hiện CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống xác thực và định danh điện tử của Bộ Công an để triển khai các chức năng khi thực hiện TTHC, 100% dịch vụ công đã được triển khai sẽ tự động điền thông tin khai thác từ cơ sở dữ liệu dân cư vào phiếu tờ khai khi cung cấp đến người dân. Bên cạnh đó, Sở đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống văn bản của TP Hà Nội để xử lý hồ sơ trên môi trường mạng. Xác định CĐS là việc mới và quan trọng nên Sở đã xây dựng một kế hoạch gồm nhiều chỉ tiêu, có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong thực hiện cải cách TTHC và CĐS.

Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội, việc ứng dụng CĐS vào hoạt động giải quyết TTHC vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong thời gian tới.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG - QUANG DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/chuyen-doi-so-trong-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-tai-ha-noi-dong-luc-va-nhung-van-de-dat-ra-bai-1-hieu-qua-tu-chuyen-doi-so-797396