Chuyển đổi số trong giáo dục: Chủ động bắt nhịp, tạo đột phá

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội chú trọng thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số; qua đó nhằm phát huy tối đa những ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục, đào tạo.

Dấu ấn chuyển đổi số

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội xác định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.

Chuyển đổi số trong GD&ĐT không chỉ góp phần thay đổi phương pháp dạy - học mà còn tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong bất cứ hoàn cảnh nào. (Ảnh minh họa: P.T)

Chuyển đổi số trong GD&ĐT không chỉ góp phần thay đổi phương pháp dạy - học mà còn tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong bất cứ hoàn cảnh nào. (Ảnh minh họa: P.T)

Theo ghi nhận, năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố. IOC bao gồm có các chức năng: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở bằng công cụ hiện đại, thông minh, trực quan; tích hợp hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các bảng điều khiển thông minh, tùy theo thời điểm; quản lý và tổ chức các cuộc họp trực tuyến; hệ thống giám sát thời gian thực qua camera tới cổng, sân trường của các trường học; cập nhật các thông tin mới nhất về ngành GD&ĐT trên Cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trên môi trường mạng…

Cùng đó, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tại địa chỉ csdl.moet.gov.vn theo yêu cầu của Thông tư số 26/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu ngành để xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống ôn tập trực tuyến Hanoi Study giúp giáo viên, học sinh tự ôn luyện, làm bài kiểm tra, khảo sát chất lượng bằng hình thức trực tuyến; thực hiện quản lý trường học tới 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên nên tảng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục (do Bộ GD&ĐT quản lý); đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi và kiểm tra đánh giá trong tất cả các môn học; tổ chức các lớp học trực tuyến; lồng ghép, giới thiệu các nội dung học tập, các bài học và học liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng người học thông qua các phần mềm trực tuyến như: Zoom Meeting, Google Meet, Azota, OLM. VN, Classdojo, Quizzi, Padlet…; giới thiệu một số nguồn học liệu và nền tảng công nghệ số để khai thác và tổ chức dạy học trực tuyến (Olm.vn, sách giáo khoa điện tử, violympic…), các website học tập (http://violympic.vn, http://dethi.violet.vn, http://hoctainha.vn...).

Đáng nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh được đẩy mạnh. Năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý tuyển sinh trực tuyến (tại địa chỉ http://tsdaucap.hanoi.gov.vn) nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời đối với tất cả các cấp học. Các trường học tăng cường công tác truyền thông, vận động, hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Trong quá trình thực hiện, bộ phận quản trị ghi nhận Hệ thống vận hành thông suốt, không bị nghẽn mạng.

Nâng cao nhận thức

Là một trong những đơn vị chủ động đi đầu trong chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hoạt động dạy và học, huyện Thanh Trì đã và đang đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học. Hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều hướng tới mục tiêu xây dựng và thực hiện mô hình trường học điện tử. Ban Giám hiệu quản lý hồ sơ, kiểm tra hồ sơ giáo viên trên mạng rất tiện lợi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý được một số nhà trường thực hiện hiệu quả: Sử dụng phần mềm VnEdu để quản lý học sinh, sổ điểm điện tử, thời khóa biểu, sổ liên lạc điện tử, học bạ; giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm Power point, E-learning… Hiện nay, 70% các đầu sổ, hồ sơ quản lý trong các cơ sở giáo dục được số hóa. Bên cạnh đó, các trường đã triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tựu Liệt, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Nhờ có công nghệ thông tin, chúng tôi đã luôn đổi mới phương pháp dạy và học để làm sao chăm sóc và giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao nhất. Cũng thông qua công nghệ thông tin, chúng tôi có thể dễ dàng phối kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức các lớp kiến tập mà phụ huynh có thể tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức lớp kỹ năng sống được phát trực tiếp và cập nhật kịp thời trên website và nhóm mạng xã hội của nhà trường để phụ huynh tiện theo dõi”.

Đánh giá cao vai trò của công nghệ thông tin trong đổi mới và phát triển giáo dục, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được Bộ GD&ĐT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT. Những năm qua, ngành GD&ĐT quận Ba Đình đã tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập, khảo thí và bước đầu đã đạt được một số thành tựu, xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý giáo dục.

Xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, những thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT Thủ đô xác định cần nâng cao nhận thức chung từ các cán bộ quản lý các Phòng GD&ĐT cho đến người đứng đầu các trường và đội ngũ giáo viên, nhân viên; cụ thể hóa các mục tiêu đổi mới giáo dục, đánh giá hiệu quả việc ứng dụng bài giảng điện tử của từng giáo viên; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường, trong công tác giảng dạy và học tập; khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả của Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh thành phố Hà Nội.

P.T

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-chu-dong-bat-nhip-tao-dot-pha-160180.html