Chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh: Còn nhiều khó khăn

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã và đang góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí. Tuy nhiên, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) và thanh toán không dùng tiền mặt.

Cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng thẻ CCCD làm thủ tục khám chữa bệnh

Cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng thẻ CCCD làm thủ tục khám chữa bệnh

Thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo giai đoạn và từng năm với 4 nhóm chỉ tiêu, trong đó chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm với 9 chỉ tiêu cụ thể. Đến đầu tháng 10/2023, bên cạnh các chỉ tiêu năm 2023 đã cơ bản hoàn thành vẫn còn 2/9 chỉ tiêu chưa đạt do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Vướng khi sử dụng CCCD thay BHYT

Ngay từ đầu năm 2023, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh tăng cường giải quyết thủ tục khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID. Đến nay, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT (4 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện và 200 trạm y tế cấp xã) đã đáp ứng các điều kiện để thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD có gắn chíp thay cho thẻ BHYT giấy. Tuy nhiên, tỷ lệ làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay cho BHYT đến nay vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 70% số lượt người làm thủ tục.

Do chưa có văn bản hướng dẫn quy trình làm thủ tục khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp nên các cơ sở y tế vẫn đang áp dụng theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện. Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh được phép giữ thẻ BHYT của người bệnh, sau khi kết thúc khám chữa bệnh, bệnh nhân hoàn thành việc thanh toán viện phí, cơ sở y tế trả lại thẻ cho người bệnh. Nếu thay thẻ BHYT bằng CCCD thì sẽ phải giữ thẻ CCCD. Tuy nhiên, theo Điều 28, Luật CCCD năm 2014, việc khám chữa bệnh không nằm trong các trường hợp quy định về tạm giữ CCCD.

Bác sĩ Đặng Văn Năm, Phó Giám đốc phụ trách TTYT Văn Quan cho biết: Đơn vị triển khai thực hiện thủ tục đăng ký KCB bằng CCCD gắn chip từ tháng 3/2022 nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, thực hiện thủ tục khám chữa bệnh bằng CCCD, sau khi quét mã, đơn vị không giữ được CCCD nên nhiều trường hợp không thanh toán, đơn vị không thu được tiền. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có 5 trường hợp. Do đó, tỷ lệ người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh bằng CCCD đến nay mới chỉ đạt 40%.

Cùng đó, hệ thống giám định bảo hiểm hay lỗi vào giờ cao điểm, việc đẩy dữ liệu tự động lên cổng giám định BHYT bằng phần mềm quản lý khám chữa bệnh không liên tục nên các cơ sở khám chữa bệnh không cập nhật được thông tin nên bệnh nhân đang điều trị ở cơ sở y tế này vẫn có thể sử dụng CCCD để làm thủ tục khám chữa bệnh một cơ sở y tế khác.

Mặt khác, do công tác truyền thông chưa hiệu quả nên nhiều người dân chưa biết, chưa có thói quen dùng CCCD để làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh. Một số thông tin trên thẻ BHYT và CCCD không trùng khớp, dẫn đến nhiều trường hợp tra cứu không thành công, gây mất thời gian làm người bệnh ái ngại nên dù có biết vẫn “sử dụng thẻ BHYT cho nhanh”.

Từ những khó khăn nêu trên, đến hết tháng 10/2023, tỷ lệ người dân làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay thẻ BHYT vẫn đạt thấp. Cụ thể, tỷ lệ người dân làm thủ tục khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp và ứng dụng VNeID thay cho thẻ BHYT của tuyến tỉnh đạt 55%, tuyến huyện đạt 70%, tuyến xã đạt 50% số lượt người làm thủ tục.

Thanh toán không dùng tiền mặt chưa đạt mục tiêu

Cùng với khó khăn trên thì từ đầu năm 2023 đến tháng 10/2023, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các bệnh viện tuyến tỉnh đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra là 50% tổng viện phí thanh toán. Cụ thể, ở bệnh viện tuyến tỉnh chỉ đạt 19,5%, tuyến huyện đạt 15,49%.

Được biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh gặp vướng mắc là do việc sử dụng thẻ, ứng dụng thanh toán của một số ngân hàng bị lỗi hệ thống, không thanh toán được, gây phiền hà cho bệnh nhân, nhân viên cơ sở y tế. Bà Nguyễn Thị Hoa, 67 tuổi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi bị cao huyết áp, đau khớp gối nên thường đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và điều trị. Thấy nhiều người thanh toán bằng thẻ bị lỗi và tôi cũng không biết sử dụng phần mềm điện tử nên thường sử dụng tiền mặt để thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Đặc biệt, lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa có giải pháp phù hợp và công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, chưa hiệu quả nên người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt để thanh toán tại các cơ sở y tế.

Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu về chuyển đổi số năm 2023, nhất là làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip điện tử hoặc ứng dụng VNeID và thanh toán không dùng tiền mặt, cuối tháng 10/2023, Sở Y tế đã tổ chức họp bàn, phân tích rõ những nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó kiến nghị BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Công an ban hành văn bản hướng dẫn quy trình làm thủ tục khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp, nâng cấp phần mềm nhằm đảm bảo cho cơ sở khám chữa bệnh đẩy dữ liệu liên thông được thường xuyên liên tục, tra cứu thông tin công dân được tức thời trong quá trình tiếp đón bệnh nhân…

Được biết, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số, Sở Y tế cũng đã đề nghị người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, xác định là vấn đề ưu tiên để tập thể lãnh đạo cùng quan tâm, trong đó chủ động xây dựng quy trình tiếp đón bệnh nhân bằng thẻ CCCD có gắn chíp và ứng dụng VNeID, niêm yết tại nơi dễ quan sát nhằm tuyên truyền, hướng dẫn công dân sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp và ứng dụng VNeID làm thủ tục khám chữa bệnh; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân, tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế hoàn toàn thẻ BHYT giấy…

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/y-te/623064-chuyen-doi-so-trong-kham-chua-benh-con-nhieu-kho-khan.html