Tổ chức thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi): cần huy động sức mạnh tổng hợp

Để Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống, hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển mà Nhân dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế mong đợi, rất cần có tư duy mới, đột phá, huy động sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện thời gian tới đây.

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thông qua là hành lang pháp lý thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới. Ảnh: Hải Linh

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thông qua là hành lang pháp lý thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới. Ảnh: Hải Linh

Sáng 28/6 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Đây là hành lang pháp lý quan trọng tạo động lực để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, song quan trọng hơn nữa là tổ chức thực hiện để đưa Luật vào thực tiễn có hiệu quả, hiệu lực cao.

Quyết liệt để cụ thể hóa nhiều nội dung lớn

Hà Nội, đô thị đặc biệt có truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, sáng tạo, đã được xác định vị thế ngay từ Hiến pháp 1946 và đến Hiến pháp (2013) hiện hành đã nêu rõ: "Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội". Trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn được Đảng, Quốc hội, Nhà nước quan tâm, định hướng và tạo hành lang pháp lý đặc thù. Vào tháng 11/2012, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Thủ đô (Luật Thủ đô 2012). Qua 9 năm thực hiện đã có những kết quả chủ yếu, giải quyết được những bức xúc trong thực tiễn và tạo thuận lợi để Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò đã được xác định.

Trong bối cảnh mới để xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045, tháng 5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-TW. Nhằm thể chế hóa Nghị quyết, Hà Nội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành T.Ư để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô 2012. Quá trình nghiên cứu công phu, khoa học theo 9 nhóm chính sách đặc thù đã được xác định, lấy ý kiến rộng rãi, tập trung trí tuệ và đã có sự đồng thuận cao. Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua. Đây không chỉ là dấu mốc, là đạo luật đặc biệt quan trọng có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc với Thủ đô mà còn với cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua lần này đã kế thừa những nội dung tinh túy của Luật Thủ đô 2012, xác định những đặc thù, đặc quyền cho Hà Nội, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP gắn với trách nhiệm cao cả với vùng, với cả nước và hội nhập quốc tế. Để Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống, hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển mà Nhân dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế mong đợi, rất cần có tư duy mới, đột phá, huy động sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện thời gian tới đây.

Trước tiên, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Thủ đô, chính sách xây dựng và phát triển Thủ đô, trách nhiệm các cấp, các ngành và địa phương trong thi hành Luật Thủ đô. Luật Thủ đô 2012 đã ban hành với 4 chương 27 điều. Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã tăng gồm 7 chương, 54 điều. Trong đó đã đề cập những nội dung đặc thù như: tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển; liên kết phát triển vùng; giám sát kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm; tổ chức thực hiện và quy định chuyển tiếp.

Với mỗi nội dung trên đều có chính sách đặc thù nên rất cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi không chỉ trên báo chí, tuyền thông mà cần cụ thể đến từng địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, Nhân dân, các cơ quan Nhà nước ở T.Ư, TP và cả các tỉnh trong vùng để có sự đồng thuận. Qua đó giúp định hướng dư luận, nâng cao sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm.

Riêng với TP cần quán triệt, phổ biến Luật và các văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện tới các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể và Nhân dân với đa dạng hình thức như hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phát tài liệu... Qua quá trình tổ chức thực hiện Luật Thủ đô 2012, TP đã tổ chức phổ biến, quán triệt Luật có nhiều kết quả. Song với tính đa dạng, khối lượng lớn về nội dung của Luật lần này, rất cần cụ thể và quyết liệt hơn.

Cùng đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn chỉnh đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Sau khi ban hành Luật Thủ đô 2012 đã ban hành 34 văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn của Bộ, HĐND, UBND TP để kịp thời gian Luật có hiệu lực. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này còn cần khối lượng văn bản cụ thể hóa lớn hơn rất nhiều (khoảng 80 văn bản). HĐND cần ban hành hơn 50 văn bản về cụ thể hóa nội dung đặc thù (Luật Thủ đô 2012 chỉ là 12 văn bản), UBND TP cần ban hành hơn 15 văn bản (Luật Thủ đô 2012 chỉ là 3 văn bản).

Ngoài ra, còn cần các bộ, ngành liên quan ban hành khoảng 5 văn bản. Đây là công tác đã được TP quan tâm xây dựng dự thảo kế hoạch, song với khối lượng lớn, tính đặc thù từng lĩnh vực cần rà soát để huy động lực lượng tham gia nghiên cứu kịp thời hạn Luật có hiệu lực với 2 mốc thời gian là 1/1/2025 và 1/7/2025. Ngoài sự tham gia và chủ trì của đơn vị chuyên ngành, cần huy động lực lượng từ MTTQ và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, chuyên gia để tham gia nghiên cứu và thẩm định nhằm đạt chất lượng cao.

Triển khai đồng bộ các quy hoạch

Đặc biệt, để cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) cần triển khai đồng bộ các quy hoạch lớn. Cùng với khung pháp lý đặc thù là Luật Thủ đô, để có tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng, tạo động lực và nguồn lực không gian phát triển mới cho Thủ đô rất cần hình thành hệ thống quy hoạch cho 2 quy hoạch trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065.

Thời gian vừa qua, TP đã chủ động tổ chức nghiên cứu lập 2 quy hoạch, đã được Bộ Chính trị xem xét và có Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024, thống nhất về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch, đồng thời cũng lưu ý nhấn mạnh 7 vấn đề khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến và phê duyệt quy hoạch. Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét và cho ý kiến.

Việc hoàn thiện định hướng để cụ thể hóa về tổ chức không gian, quy mô, phân bố dân cư... là hiện thực hóa các chính sách đặc thù xác định trong Luật Thủ đô, nên cần sớm hoàn chỉnh 2 quy hoạch để trình duyệt, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ hệ thống quy hoạch theo quy định trong Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng. .

Trong Luật Thủ đô đã xác định xây dựng, quản lý phát triển Thủ đô phải thực hiện theo 2 quy hoạch và triển khai 7 biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch với ưu tiên tổ chức quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, xác định phân vùng môi trường, phân khu chức năng và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, các địa điểm cần di dời... Các nội dung cụ thể theo yêu cầu trên được thể hiện trong quy hoạch. Đây là công tác quan trọng cần được triển khai song hành với cụ thể hóa Luật Thủ đô, để đến thời điểm Luật có hiệu lực thi hành đã có đồng bộ căn cứ để thực hiện.

Luật Thủ đô vừa được thông qua đã đề cập đến đặc thù đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Không chỉ kế thừa tinh hoa Luật Thủ đô 2012 mà còn đề cập đến nhiều vấn đề mới như: không gian ngầm, trọng điểm khoa học công nghệ Thủ đô, đổi mới sáng tạo mô hình TP của Thủ đô, thử nghiệm có kiểm soát, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), đầu tư mạo hiểm...

Đây là những vấn đề Hà Nội đã có nghiên cứu bước đầu, song hiện nay còn nhiều cách tiếp cận khác nhau nên rất cần nêu rõ ngay trong giai đoạn cụ thể hóa Luật Thủ đô. TP cần quan tâm có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện để huy động tiềm năng trí thức Thủ đô tham gia đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và xây dựng các văn bản cụ thể hóa Luật do HĐND, UBND TP ban hành có hiệu quả và tính thực tiễn cao.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là hành lang pháp lý thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Tổ chức thực hiện đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống là góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/to-chuc-thuc-hien-luat-thu-do-sua-doi-can-huy-dong-suc-manh-tong-hop.html