Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng còn nhiều thách thức, rào cản
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, NHNN đã có những bước chủ động đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế. Ví dụ như chính sách về trung gian thanh toán, hay thẻ tín dụng và một số nghiệp vụ thấu chi trên tài khoản của khách hàng cũng giúp cho công nghệ số áp dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng mang đến một số thách thức như câu chuyện về hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ.
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/9, TS. Phạm Xuân Hòe cho biết, trong lĩnh vực chuyển đổi số, NHNN đã có những bước chủ động đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế. Ví dụ như chính sách về trung gian thanh toán, hay thẻ tín dụng và một số nghiệp vụ thấu chi trên tài khoản của khách hàng cũng giúp cho công nghệ số áp dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng mang đến một số thách thức như câu chuyện về hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ.
"Khó khăn cho các ngân hàng thương mại là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn. Không phải một sớm một chiều mà có ngay tiền được. Theo khảo sát của chúng tôi, những ngân hàng bỏ ra 3% chi phí thì có dưới 50%, còn lại khoảng 13% các ngân hàng đầu tư khoảng trên 13% chi phí cho IT, mà 13% cho IT thì không hề đơn giản. Vấn đề về nhân sự, là con người, bởi trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về CNTT, về bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ vi phạm. Không được đào tạo lại cũng rất nguy hiểm. Thách thức về mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay".
Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số ngân hàng thật sự là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ cần phải thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong Quyết định 810 của NHNN. Do đó, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính.