Chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thủ đô: Hướng đến xây dựng một nền giáo dục mở
Giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hướng đến xây dựng một nền giáo dục mở.

Màn hình lớn được trang bị trong từng lớp học của các trường tiểu học giúp bài giảng của giáo viên được thể hiện sinh động hơn, tạo hứng thú cho sinh trong học tập. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN
Để nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố Hà Nội đã chủ động tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo hướng đến chuyển đổi số toàn diện.
Nhận biết và nắm bắt được xu hướng đó, ngành giáo dục Thủ đô nói chung và ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm nói riêng đã xác định việc chuyển đổi số trong toàn ngành là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tập trung vào các nhiệm vụ như: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến...
Đặc biệt, với phương châm “Giáo dục thông minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm nhiều năm qua đã quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, bước đầu đã đạt được những hiệu quả thiết thực.
Trong Tuần lễ Chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận Hoàn Kiếm (diễn ra từ ngày 24 - 31/3), nhiều hoạt động phong phú, bổ ích đã thu hút hàng nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia. Tại đây, các cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đã mang đến những ý tưởng mới, sáng tạo và tâm huyết ở nhiều mảng đề tài khác nhau từ các giải pháp quản trị nhà trường, quản lí nguồn nhân lực, theo dõi quá trình học tập và kiểm tra đánh giá học sinh, đến xây dựng kho học liệu số với những tính năng thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các phần mềm hiện đại trong dạy và học, đặc biệt là dạy học trực tuyến, E-learning và tự học…
Tiêu biểu là các sản phẩm như: Quản lý đánh giá học sinh và kho học liệu số của Trường Mầm non Chim Non; kho học liệu số của nhóm giáo viên khối 5 Trường Tiểu học Thăng Long; sách điện tử Tranh dân gian Hàng Trống của cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Trường Tiểu học Tràng An; “Dự án Math Mastery - Website tự học môn Toán” của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên; sản phẩm “Hạnh kiểm checker” của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Trưng Vương…
Tại lễ bế mạc diễn ra chiều 28/3, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm Trịnh Ngọc Trâm cho biết, nhằm hướng tới mục tiêu “Chuyển đổi số - cơ hội đột phá và phát triển, kết nối toàn cầu”, trong Tuần lễ Chuyển đổi số, Phòng GD&ĐT quận đã tổ chức 2 chương trình tập huấn, 4 hội thảo, 5 chuyên đề, cuộc thi “Giải pháp xây dựng trường học thông minh” dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh cấp Trung học cơ sở và cuộc thi “Đi tìm công dân số tài năng” dành cho học sinh tiểu học cùng các hoạt động trải nghiệm với các đơn vị đồng hành. Trong đó, tâm điểm của Tuần lễ Chuyển đổi số là phần so tài đầy sôi nổi và hào hứng của các ý tưởng, giải pháp xây dựng trường học thông minh.
“Các sản phẩm dự thi giải pháp trường học thông minh không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà nhiều sản phẩm đã và đang được ứng dụng trong các nhà trường. Các sản phẩm dự thi đều có tiềm năng phát triển lớn, tính ứng dụng vào thực tế cao và đã giải quyết một hoặc một vài vấn đề thực tiễn trong đời sống”, bà Trịnh Ngọc Trâm chia sẻ.
Qua Tuần lễ Chuyển đổi số, Ban tổ chức đã tuyên dương, khen thưởng các trường học, cá nhân đạt thành tích cao, tích cực tham gia. Trong cuộc thi “Đi tìm Công dân số tài năng” dành cho học sinh tiểu học, các đội thi đến từ 13 trường tiểu học đã xuất sắc giành được 14 giải; cuộc thi “Giải pháp xây dựng trường học thông minh” với 125 sản phẩm dự thi, các thầy cô và các em học sinh đã xuất sắc giành 55 giải.
Tại quận Long Biên, ngành giáo dục quận đã chủ động triển khai mô hình “Trường học điện tử" nay là “Trường học chuyển đổi số” nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý và dạy học. Toàn quận có khoảng 87.000 học sinh của hơn 140 trường công lập và ngoài công lập. Với mục tiêu xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý trường học, xác thực thông tin học sinh, giáo viên trên nền tảng công nghệ số, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục và các ngành liên quan, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND quận Long Biên ban hành bộ tiêu chí đánh giá “Trường học chuyển đổi số” nhằm cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá và thay thế cho bộ tiêu chí đánh giá “Trường học điện tử” đã ban hành trước đây đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và sự thay đổi của khoa học công nghệ.
Khẳng định về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, toàn ngành xác định chuyển đổi số là nội dung cần ưu tiên bố trí nguồn lực. Với quy mô lớn nhất cả nước về số lượng trường học và học sinh, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Thủ đô không chỉ là xu thế, mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập.